Đúng một năm trước, tháng 7/2019, khi người dân quanh bãi rác Nam Sơn chặn đường khiến cả Hà Nội chìm trong rác suốt một tuần lễ.

Nhiều cơ quan báo chí đã mổ xẻ vấn đề và phát đi thông điệp: Đã đến lúc coi câu chuyện bãi rác Nam Sơn là một khủng hoảng đô thị để giải quyết triệt để vấn đề trên tương quan lợi ích cộng đồng.

Tuy nhiên, tháng 7/2020, đúng một năm sau, khủng hoảng rác Nam Sơn trở lại, vẫn kịch bản người dân chặn đường xe rác, và những vấn đề cũ vẫn còn nguyên.

{keywords}
Rác được tập kết tại đường Tân Triều (Thanh Trì) bốc mùi khó chịu. Ảnh Trần Thường

Vấn đề của bãi rác Nam Sơn là gì? Đó là tiền đền bù để người dân địa phương di chuyển đến nơi tái định cư chỉ bằng 1/6 so với giá đất tái định cư.

Tất nhiên, người dân Nam Sơn không có lựa chọn khác, ngoài việc ở lại bên bãi rác, cố gắng chịu đựng, và thỉnh thoảng lại đổ ra đường chặn đoàn xe rác, khi mà mùa hè đến, lượng rác sinh hoạt của thành phố thải ra nhiều hơn, tốc độ phân hủy cao hơn.

Câu chuyện bãi rác Nam Sơn dường như là bế tắc và không có lối thoát khi mà chính quyền thành phố không đủ quyền năng thay đổi khung giá đền bù của Nhà nước để áp dụng cho những tình huống như thế này. Nhưng, nếu coi vấn đề xử lý rác là hạ tầng thiết yếu của thành phố thì góc nhìn sẽ thay đổi.

Những khu xử lý, tái chế rác hiện đại sẽ được ưu tiên đầu tư, thậm chí được áp dụng những cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ. Nếu thành phố hoãn hoãn nâng cấp, xây thêm bảo tàng, hoãn thay đá vỉa hè... để đầu tư nhà máy rác thì sao?

Sẽ có thêm những cuộc khủng hoảng bãi rác mới 

Một nhà quản trị đô thị giỏi là người có khả năng hoạch định được kế hoạch chi tiêu để dòng tiền ngân sách được sử dụng theo cách có lợi nhất cho cư dân đô thị, tức là phải xác định được thứ tự ưu tiên cho các dự án đầu tư công.

{keywords}
Bãi rác Nam Sơn chỉ cách nhà dân vài trăm mét

Đầu tư các nhà máy xử lý rác thải hiện đại có phải điều mà chính quyền đô thị cần ưu tiên? Những nhà máy xử lý rác hiện đại sẽ khiến diện tích chôn lấp ít đi, mức độ chịu ảnh hưởng, ô nhiễm của cư dân được thu hẹp, trong khi động lực để thúc đẩy phân loại rác tại nguồn tăng lên, lý do để thu phí rác thải theo khối lượng sẽ trở nên thuyết phục hơn.

Lại nói về thu phí rác thải. Đó là một yêu cầu bắt buộc để các đại đô thị như Hà Nội giảm nguy cơ quá tải rác, khi người dân có ý thức lợi ích rõ ràng về việc hạn chế xả thải.

Tuy nhiên, ý tưởng đó mới được đưa ra hồi cuối năm ngoái đã bị phản đối vì không truyền thông một cách đúng mức về phương án khả thi. Vậy thì phương án khả thi là thế nào?

Dĩ nhiên sẽ không thể thu phí rác thải trực tiếp vì chẳng ai đi cân đo từng túi rác của người dân. Nhưng thành phố hoàn toàn có thể phát hành túi rác tiêu chuẩn mà phí rác thải đã nằm trong giá thành túi rác.

Túi rác hữu cơ và túi rác vô cơ sẽ có giá khác nhau để người dân tự phân loại. Người dân chỉ được sử dụng loại túi do thành phố phát hành để đựng rác, và các đơn vị thu gom rác sẽ chỉ nhận túi rác tiêu chuẩn.

Thành phố có thể ưu tiên xây dựng các nhà máy xử lý rác, nhưng vận hành thì không thể bao cấp mãi. Bởi thế, để thành phố không tiếp tục bị ngập chìm trong rác, thu phí rác thải là điều bắt buộc phải thực thi.

Khủng hoảng bãi rác Nam Sơn hôm nay không phải là một sự kiện mới, nó đã diễn ra và lặp đi lặp lại trong suốt nhiều năm qua, từ khi bãi rác này hình thành. Giải pháp hiện giờ của thành phố vẫn là phân luồng để chuyển rác về các bãi chôn lấp mới.

Với giải pháp này, sẽ có thêm những cuộc khủng hoảng bãi rác mới, không chỉ ở Nam Sơn. Vì thế, cần phải thay đổi, không thể chỉ coi khủng hoảng bãi rác là câu chuyện của riêng cộng đồng cư dân Nam Sơn.

Đã đến lúc cần nhìn rộng hơn, khủng hoảng Nam Sơn là khủng hoảng của thành phố, và hơn 7 triệu người dân của thành phố này, bất cứ ai cũng là nạn nhân, từ người nông dân Nam Sơn đến ông Chủ tịch thành phố.

Phạm Trung Tuyến

Sự cố bốc mùi nồng nặc ở thủ đô, tràn ngập khắp ngõ phố

Sự cố bốc mùi nồng nặc ở thủ đô, tràn ngập khắp ngõ phố

Nhiều đường phố ở nội thành Hà Nội ngập trong rác vì người dân chặn đường không cho xe rác chạy vào bãi Nam Sơn, Phó Chủ tịch TP phải có chỉ đạo khẩn.