Nắng và gió Phơn trên dãy Hoàng Liên Sơn khiến mái nhà lợp bằng tôn của CTCP Đông Ấn, khiến không khí trở nên oi nồng ngột ngạt. Gạt những giọt mồ hôi,  Thống đốc NHNN, chăm chú hướng về Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Đỗ Thị Thanh Phương để lắng nghe từng lời giãi bày của một DN đang cần vốn.

3 năm khởi nghiệp, giờ đây DN của bà đã được tỉnh Sơn La phê duyệt dự án với quy mô 900 ha, trong đó có 700 ha trồng cây vầu và 200 ha cây dược liệu với tổng vốn đầu tư của dự án là 289,8 tỷ đồng.

Tháng 5 tới, công ty sẽ trồng tiếp 320 ha vầu và dự kiến năm 2018 thu hoạch với sản lượng 1 tấn vầu được 2,5 tạ tăm hương. Cây bạc hà đã trồng thí điểm xong, chiết suất thử tinh dầu đã được Nhật Bản chấp nhận với lượng tinh dầu đạt tới 7kg tinh dầu/tấn nguyên liệu, mức cao nhất, trong khi ở nhiều tỉnh miền bắc chỉ là 5 - 6kg tinh dầu/tấn nguyên liệu.

Thế nhưng tổng vốn đầu tư của dự án là gần 300 tỷ đồng quá sức với DN nếu không có trợ lực ngân hàng. Không phải ngân hàng không có tiền cho vay mà Công ty không đủ tài sản bảo đảm khoản vay nên bà đề nghị được vay ân hạn dài hạn (khoảng 30 tỷ đồng) theo kiểu cuốn chiếu: Vay để triển khai một phần dự án, sau 3-4 năm khai thác được sản phẩm (cây vầu), có nguồn thu sẽ trả nợ rồi lại vay tiếp để triển khai phần dự án tiếp theo.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay của Công ty là việc tiếp cận vốn tín dụng. Tỉnh Sơn La đã cấp cho doanh nghiệp 15 ha xây dựng nhà xưởng, sổ đỏ được cấp 12,8 ha nhưng ngân hàng chưa chấp nhận là tài sản bảo đảm vì ngân hàng yêu cầu khi nào có tài sản hình thành trên đất thì mới chấp nhận cho vay”, bà Phương nói.

Bà Phương cho biết thêm “Tương tự như vậy, đất trồng rừng đã được cấp sổ đỏ là 75 ha, còn 50 ha liên kết với dân để trồng vầu nhưng ngân hàng chưa coi đây là tài sản bảo đảm vì chưa có cây. Bên cạnh đó, phải có xác nhận của sở tài nguyên môi trường là có cây trên đất thì ngân hàng mới chấp nhận đó là tài sản bảo đảm mới cho vay".

{keywords}

Thống đốc bình trong chuyến thực tế ở Sơn La.

Trước tâm tư của DN,  Thống đốc cũng không khỏi lo lắng cho công ty khi vốn tự có quá thấp so với tổng vốn đầu tư, cụ thể có 3 tỷ đồng so với tổng thể dự án gần 300 tỷ đồng. “Chỉ riêng vốn đầu tư 50 - 70 tỷ đồng của giai đoạn đầu là quá cao không chỉ vượt sức DN mà còn có thể rủi ro lớn cho các tổ chức tín dụng”, Thống đốc thẳng thắn nói.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà cánh cửa vốn với DN bị nghẽn lại khi ngay lập tức, Thống đốc chỉ ra đường đi với sự tham gia của cả 3 bên tham gia trong quá trình kêu gọi vốn là bản thân công ty, bạn bè và ngân hàng.

Cụ thể, Thống đốc giao cho Giám đốc NHNN Sơn La cùng 3 ngân hàng thương mại là Agribank, BIDV và VietinBankbàn kỹ, góp ý cho doanh nghiệp để hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh. Sau khi có phương án khả thi, sẽ đề ra các có bước đi, lộ trình phù hợp. Có thể có phương án đồng tài trợ giữa 3 ngân hàng nhưng doanh nghiệp cũng cần chủ động huy động tăng thêm tỷ trọng vốn tự có. Sau những bước đầu thành công, Vụ Tín dụng có thể đưa dự án này vào cho vay theo chuỗi liên kết nếu Công ty hội tụ đủ các điều kiện.

Ân cần với bà con

Đến với bản Phiêng Hạ, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, Sơn La - một trong những xã nghèo nhất của huyện Mộc Châu với hơn 90% đồng bào là dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 35%, kinh tế của xã chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp với loại cây trồng chính là ngô và chè.

Tuy nhiên, hầu hết diện tích canh tác lại nằm trên đất dốc, địa hình chia cắt phức tạp, gây khó khăn cho việc thâm canh và áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, vì vậy, năng suất cây trồng rất thấp - chỉ đạt gần 4 tấn/ha, trong khi đó chi phí cho đầu tư và công lao động lại rất lớn. Việc tiêu thụ nông sản của nhân dân cũng gặp phải không ít trở ngại do giao thông đi lại đặc biệt khó khăn. Chính bởi vậy việc đưa được vốn vào những nơi này có ý nghĩa quyết định đến xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội.

{keywords}

Việc đưa được vốn vào những nơi này có ý nghĩa quyết định đến xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội.

Hộ bà Lò Thị Viên thuộc diện hộ di dân từ huyện Phù Yên sang Mộc Châu từ năm 1993. Trước đây, do đói nghèo, sợ không trả được nợ nên không dám vay vốn ngân hàng. Hiện tại, gia đình bà Viên có diện tích trồng chè khoảng 6.000 m2, nuôi 3 con bò, chăn nuôi cả lợn, gà và ao cá.

Bà Viên mong muốn được vay Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 50 triệu đồng với mục đích sử dụng mở rộng diện tích trồng chè, mua thêm bò, lợn để phát triển kinh tế gia đình.

Thống đốc yêu cầu NHCSXH triển khai hướng dẫn, hỗ trợ gia đình bà Viên làm các thủ tục vay vốn và sớm xem xét, giải quyết nhu cầu vay vốn của gia đình.

Ông cũng chia sẻ với gia đình bà Viên, khi được vay vốn thì gia đình cố gắng, tích cực tổ chức lao động, sản xuất có hiệu quả, đem lại cuộc sống ấm no và làm giầu trên mảnh đất của mình. Đồng thời, gia đình chú ý trả nợ ngân hàng đúng hạn để ngân hàng có tiền tiếp tục cho hộ gia đình nghèo khác vay như của gia đình mình bởi vì: “Tiền ngân hàng cho gia đình mình vay, đó cũng là tiền ngân hàng đi vay của dân”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc cũng đã tặng gia đình bà Viên một cặp lợn giống và cá giống để bà Viên chăn nuôi với hy vọng đây sẽ là món quà ý nghĩa để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Tại gia đình ông Lò Văn Quân, dân tộc Thái - tại bản Phiêng Tiến, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu. Ông Quân cho biết, gia đình ông là hộ nghèo được vay vốn Chương trình giải quyết việc làm từ tháng 5/2014 của NHCSXH với 20 triệu đồng. Sau khi sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, ông đã trả hết nợ và tiếp tục được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay 30 triệu đồng từ tháng 3/2015. Sau khi vay vốn ưu đãi gia đình ông đã đầu tư vào trồng chè và chăn nuôi bò sinh sản. Hiện nay gia đình ông đã có 5.000m2 chè đang cho thu hoạch và 4 con bò.

Ông Quân kiến nghị được Nhà nước tạo điều kiện cho vay hộ nghèo trong chương trình giải quyết việc làm từ 20 triệu hiện lên mức 50 triệu vì theo lý giải của ông Quân thì 20 triệu đồng hiện nay rất khó để mua được một cặp bò. Ngoài ra ông Quân cũng kiến nghị nâng mức cho vay và kéo dài thời gian về cho vay nước sạch vệ sinh môi trường lên chứ như hiện nay thấp quá (hiện nay là cho vay tối đa 6 triệu đồng, thời gian 5 năm).

Thống đốc cho biết sẽ bàn với các Bộ, các ngành và cân nhắc để đáp ứng nhu cầu của bà con cho phù hợp. Mặc dù nguồn vốn của Nhà nước dành cho hộ nghèo trong thời gian qua đã hết sức cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế. "Mình được vay rồi nhưng vẫn còn nhiều bà con nghèo ở những nơi khác vẫn chưa có điều kiện tiếp cận”. Thống đốc cũng mong ông Quân với tư cách là tổ trưởng tổ vay vốn chia sẻ lại với bà con để từ đó chúng ta có những quyết tâm sử dụng đồng vốn đúng mục đích.

Ly An