Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông xảy ra trước khi ASEAN ra đời vào năm 1967, và leo thang khá mạnh trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, sự tham gia của ASEAN vào vấn đề Biển Đông thời kỳ đó được đánh giá là không đáng kể.

Đến năm 1994, chính sách ngoại giao của ASEAN trong vấn đề Biển Đông trở nên rõ ràng hơn, Hiệp hội liên tục đưa ra tuyên bố hoặc thông cáo chung về vấn đề này. Tại cuộc họp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của ASEAN và Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tháng 4-1995, các phái đoàn ASEAN đã thúc ép Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông. Đồng thời, tại ARF năm 1995, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa nội dung về vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố Chủ tịch. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã “bày tỏ quan ngại về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực...; khuyến khích tất cả các bên tranh chấp tái khẳng định cam kết của mình đối với các nguyên tắc có trong luật pháp và công ước quốc tế liên quan, cũng như Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992.

Song so với những năm đó, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhiều “vùng xám” mới nảy sinh cần phải được làm sáng tỏ. 

Bên cạnh đó, Biển Đông vẫn là khu vực mang lại nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng. Nhận thức rõ Biển Đông là một trong những thách thức chính đối với Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, ASEAN đã và đang có những bước đi, quan điểm rõ ràng hơn về những dự kiến, kế hoạch trong vấn đề này, dự báo những tác động đối với ASEAN và các quốc gia thành viên cũng như nhấn mạnh vai trò trung tâm ASEAN để xử lý vấn đề.

W-daodatay.png
Đảo đá Tây của Việt Nam nhìn từ xa

Đánh giá tổng thể khi nhìn lại bức tranh Biển Đông trong năm qua Đại sứ Phạm Quang Vinh  nhận định: Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Năm qua, vẫn có nhiều vụ việc phức tạp xảy ra dù không phải là sự cố hay cọ xát lớn. 

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, bối cảnh hiện nay buộc các quốc gia phải rà soát những cơ chế hợp tác hiện hành để giải quyết những thách thức mới nổi. Và, chỉ thông qua hợp tác, các nước mới có thể giúp Biển Đông chuyển màu sắc từ “xám” sang “xanh”, hướng tới hoà bình và phát triển bền vững. Mà để làm được điều đó, quan trọng là phải tôn trọng và tuân thủ luật biển quốc tế.

Các hội nghị của ASEAN, đặc biệt là một loạt các hội nghị cấp cao nhấn mạnh rất rõ rằng, các nước mong muốn khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Bởi vậy, tất cả các nước nhất trí thúc đẩy nhanh chóng tiến trình đàm phán và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), văn bản điều hành tất cả những xử sự trên biển giữa các bên liên quan vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Quan trọng hơn, ASEAN luôn nhấn mạnh vai trò trung tâm của mình trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt.

Có thể thấy, những gì ASEAN đã và đang thể hiện thời gian qua khẳng định ASEAN đang ngày càng đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể ứng phó với các thách thức, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Văn Thường và nhóm PV, BTV