Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, những đóng góp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Chia sẻ về vai trò, đóng góp của thông tin đối ngoại trong việc tạo dựng vị thế của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Trong những năm qua, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực và thế giới.
Đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với Quốc hội, Nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Chúng ta cũng đã được bạn bè quốc tế tin tưởng, tín nhiệm đề cử đăng cai, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn và đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế quan trọng.
Những thành công đó có được trước hết là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự triển khai chủ động, tích cực, sáng tạo, trên dưới đồng lòng của ngành ngoại giao; đồng thời, cũng có phần đóng góp quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, góp phần duy trì bức tranh dư luận quốc tế tươi sáng về Việt Nam trong thời gian qua.
Một số đóng góp nổi bật của thông tin đối ngoại có thể kể đến như sau:
Trước hết, thông tin đối ngoại đã làm tốt nhiệm vụ giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm, lập trường, tình hình mọi mặt của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Công tác thông tin đối ngoại đã được triển khai thường xuyên, chủ động, tích cực, bài bản từ Trung ương tới địa phương, cả ở trong và ngoài nước.
Những nỗ lực đó đã giúp dư luận quốc tế có thêm thông tin về Việt Nam, chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam trong nhiều vấn đề, đánh giá Việt Nam là một đối tác năng động, chủ động và có trách nhiệm.
Thứ hai, thông tin đối ngoại đã góp phần vào công cuộc phục hồi và phát triển trong bối cảnh đất nước và thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Bộ Ngoại giao và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên quảng bá về môi trường thuận lợi cho đầu tư – thương mại, điểm đến an toàn hấp dẫn cho du lịch, quảng bá nét đẹp văn hoá, con người Việt Nam... bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các cuộc hội thảo, các hoạt động xúc tiến, triển lãm ở sở tại, tổ chức các chuyến đi thực tế cho phóng viên nước ngoài tại các địa phương trong nước, thu xếp truyền thông quốc tế phỏng vấn Lãnh đạo cấp cao, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Nhiều Đại sứ phát huy vai trò “tuyến đầu”, chủ động tiếp xúc, trả lời phỏng vấn, tận dụng truyền thông mạng xã hội để tiếp cận sâu rộng với công chúng... Có thể nói, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh hoành hành, dư luận nước ngoài vẫn có nhiều nhận định lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam và đến nay, vẫn coi Việt Nam là “kỳ quan” trong bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm.
Thứ ba, thông tin đối ngoại đã góp phần kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông; kịp thời phản bác những thông tin bịa đặt, sai sự thật của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông được dư luận quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.
Thứ tư là trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam vẫn được cộng đồng quốc tế nhìn nhận khách quan, tích cực mà minh chứng rõ ràng là việc Việt Nam lần thứ hai bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.