Xe chở hàng lên cửa khẩu tăng đột biến
Thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT, xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm nay thu về 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam xuất khẩu. Tính đến hết tháng 5/2023, quốc gia này chi 805 triệu USD mua rau quả Việt Nam, chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này (năm 2023 chiếm 53%).
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết, Trung Quốc là "bệ đỡ" giúp hoạt động xuất khẩu của công ty tăng trưởng 20% doanh số 4 tháng đầu năm. Trong đó, sầu riêng, thanh long, chuối là những mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có mức tăng mạnh.
Với sầu riêng, năm nay công ty ông đã có hợp đồng xuất khẩu 1.500 container sang thị trường này.
Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Bởi, nhiều loại trái cây đang vào mua thu hoạch rộ, trong đó mít, xoài, sầu riêng, thanh long... được Trung Quốc ưa chuộng.
Việc Trung Quốc ồ ạt “ăn hàng” khiến tỉnh Lạng Sơn lo ngại tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu tái diễn, nhất là khi nhiều loại trái cây bước vào vụ thu hoạch rộ với sản lượng lớn.
Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn có công văn gửi các địa phương, các doanh nghiệp và thương nhân, khuyến cáo về tình hình ùn tắc hàng hoá chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khi các loại trái cây vào mùa thu hoạch. Điều này tiềm ẩn nguy rất lớn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thời tiết nắng nóng, trái cây nhanh chín và dễ suy giảm phẩm chất, hàng không đảm bảo chất lượng sẽ phải quay đầu.
Thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng trái cây quý II và III năm nay của nước ta ước đạt hơn 6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 1,09 triệu tấn, xoài 590 nghìn tấn, thanh long 625 nghìn tấn, cam 565 nghìn tấn, nhãn 490 nghìn tấn, sầu riêng 650 nghìn tấn, vải thiều 370 nghìn tấn...
Mùa thu hoạch rộ tập trung từ tháng 5 đến tháng 9. Sản lượng hầu hết các loại trái cây chủ lực đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, tình trạng xe nông sản ùn ứ tại cửa khẩu thường xuyên diễn ra khi vào cao điểm thu hoạch, đỉnh điểm là cuối 2021 và đầu năm 2022, hàng nghìn xe chở nông sản ách tắc tại cửa khẩu do Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid”. Đợt tắc biên lịch sử kéo dài mấy tháng này khiến doanh nghiệp, người nông dân bị thiệt hại nặng. Nhiều xe chở trái cây phải quay đầu về tiêu thụ tại thị trường nội địa, có xe đổ bỏ nông sản thối hỏng ngay vệ đường.
Doanh nghiệp ngại chuyển hàng bằng đường biển
Để hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu vào mùa cao điểm thu hoạch, các bộ ngành cũng như chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp thay vì chỉ vận chuyển bằng đường bộ có thể chuyển bớt qua đường biển và đường sắt.
Ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, đầu năm ngoái, doanh nghiệp đã xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc bằng đường biển, song tỷ lệ rất nhỏ so với hàng xuất bằng đường bộ qua các cửa khẩu.
Ông thừa nhận, đi bằng đường biển chi phí rẻ hơn đường bộ, nhưng thời gian vận chuyển mất tới 6-7 ngày (tuỳ cảng), trong khi đi đường bộ chỉ tốn 2-3 ngày.
Nhiều năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu và đối tác nhập khẩu bên Trung Quốc đã quen với các thủ tục thông quan tại cửa khẩu, việc đóng gói bảo quản hàng thực hiện nhanh chóng. Chưa kể, xuất khẩu trái cây còn phải tính toán đến độ tươi ngon nên thời gian vận chuyển càng ngắn càng có lợi.
Đơn cử, mặt hàng sầu riêng khi thu hái sẽ tính cả thời gian vận chuyển để đảm bảo độ chín, phía Trung Quốc nhận hàng rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Quá trình vận chuyển kéo dài đồng nghĩa đối tác có rất ít thời gian để đưa sầu đi tiêu thụ. Do đó, vận chuyển bằng đường bộ có lợi hơn, hàng đảm bảo tươi ngon.
Ngoài ra, vận chuyển bằng đường bộ nếu gặp sự cố ở khâu thông quan ngay lập tức doanh nghiệp cho hàng quay về thị trường nội địa. Còn đi bằng đường biển, không may gặp sự cố ở cảng phía Trung Quốc và buộc phải quay đầu, doanh nghiệp phải chờ 6-7 ngày sau hàng về được cảng cũ (cảng lúc xuất hàng đi), ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.
“Đối tác Trung Quốc cũng muốn nhận hàng qua đường bộ, bởi chi phí vận chuyển từ cửa khẩu về kho rẻ hơn nhận hàng từ cảng biển”, ông nói. Thế nên, đưa hàng đi bằng đường bộ hay đường biển còn phụ thuộc vào đối tác bên Trung Quốc.
Ông Tùng kiến nghị, cơ quan chức năng cần cảnh bảo sớm cho doanh nghiệp và địa phương sản xuất để tránh ùn tắc tại cửa khẩu vào những tháng cao điểm. Đồng thời, đàm phán để xuất khẩu được trái cây qua tất cả các cặp cửa khẩu, thay vì chỉ vài cửa khẩu chính như hiện tại.
“Các loại rau quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc ngày càng nhiều, xe chở hàng lên cửa khẩu sẽ tăng dần. Nếu chỉ xuất khẩu qua mấy cặp cửa khẩu như hiện nay dễ ùn ứ”, ông nhấn mạnh.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT có buổi hội đàm với ông Hứa Hiển Huy - Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, và ông Vương Vị Băng - Cục trưởng Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) - để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam với Quảng Tây.
Hai bên đều nhận định tình hình thông quan tại các cửa khẩu đang có dấu hiệu quá tải do vào mùa cao điểm thu hoạch của các loại trái cây.
Theo đó, phía Trung Quốc kiến nghị thiết lập hệ thống hải quan thông minh, còn phía Việt Nam cho ra đời hệ thống cửa khẩu số nên điều này rất tương đồng về quan điểm. Thứ trưởng Nam bày tỏ sự tán thành về mặt chủ trương và đề xuất phía Hải quan Nam Ninh sớm xây dựng đề án cụ thể cửa khẩu thông minh.
Ông Nam cũng kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, thay vì 6 cửa khẩu như hiện nay, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, bớt chi phí.