Tại buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam về công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành đường bộ mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao đơn vị này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng.
Việc làm này mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong thu phí giao thông, nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cần tiến thêm bước nữa.
"Chúng ta đang đầu tư khối lượng lớn đường cao tốc. Việc đầu tư hệ thống trạm thu phí không dừng gây tốn kém. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã có công nghệ mới, họ không cần xây dựng trạm, không có barie. Họ sử dụng hai công nghệ thu phí GPS và qua vệ tinh”, ông Thắng nói.
Theo Bộ trưởng, thu phí qua vệ tinh và qua GPS sẽ giúp thu phí vào nội đô tại các đô thị lớn dễ dàng hơn. Đây là giải pháp được nhiều quốc gia như Singapore và một số nước châu Âu áp dụng để hạn chế phương tiện vào nội đô. Khi không có barie thì giải pháp thu phí nội đô mới khả thi, tránh được ùn tắc giao thông.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ VN phải triển khai nghiên cứu xây dựng đề án ngay để thu phí bằng các công nghệ này, phục vụ cho thu phí cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến cao tốc khác.
Trước thông tin này, nhiều người bày tỏ lo ngại thu phí qua vệ tinh, đặc biệt qua GPS đối với những xe gia đình sẽ bị lộ thông tin.
Gắn định vị GPS vào ô tô để thu phí đường bộ
Làm rõ hơn những băn khoăn này với VietNamNet, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ An Vui Phan Bá Mạnh cho biết, công nghệ GPS (Global Positioning System) là một hệ thống định vị toàn cầu được sử dụng để xác định vị trí của một đối tượng hoặc điểm trên trái đất.
Công nghệ GPS được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như định vị xe hơi, điện thoại di động, quản lý tài nguyên... Với lĩnh vực thu phí đường bộ, công nghệ GPS cũng có thể được sử dụng để giúp cho việc quản lý và thu phí hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đánh giá từ thực tế tại Việt Nam, CEO Phan Bá Mạnh cho rằng, việc gắn thêm các thiết bị định vị trên toàn bộ phương tiện giao thông là một thách thức rất lớn.
“Hiện tại, hầu hết các phương tiện kinh doanh vận tải đều đã được lắp thiết bị định vị. Tuy nhiên, với các phương tiện xe cá nhân thì chưa nhiều. Thách thức lớn nhất với nhóm xe cá nhân chính là xâm nhập thông tin đời tư khi lắp định vị vào xe họ. Điều này vi phạm các qui định của pháp luật.
Hơn thế nữa, công tác bảo mật dữ liệu sẽ được thực hiện ra sao nếu áp dụng việc theo dõi giám sát định vị phương tiện cá nhân”, CEO Phan Bá Mạnh lo ngại.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý, chuyên gia công nghệ này cũng cho rằng, nếu áp dụng cũng cần phải xây dựng một hệ thống tiếp nhận dữ liệu rất lớn. Như vậy, sẽ cần cả thời gian và kinh phí lớn để xây dựng.
Do đó, ông Mạnh kiến nghị, việc này nên được luật hoá và bắt buộc các nhà sản xuất ô tô phải lắp thêm thiết bị GPS trước khi xuất bán/nhập khẩu về Việt Nam.
“Các thiết bị này cần được đảm bảo an toàn về kiểm định cháy nổ... Tránh việc lắp GPS thêm như hiện nay ảnh hưởng cả vấn đề thẩm mỹ và an toàn cháy nổ trên phương tiện, đồng thời thiếu đồng bộ.
Nếu nhà sản xuất lắp trước khi xuất bán thì việc ứng dụng GPS vào hoạt động thu phí và giám sát giao thông, thậm chí xử phạt vi phạm tốc độ cũng trở nên đơn giản và minh bạch hơn rất nhiều”, ông Phan Bá Mạnh nhìn nhận.
Công nghệ GPS có thể được sử dụng trong lĩnh vực thu phí đường bộ bao gồm: 1. Theo dõi vận tải: Các cơ quan quản lý đường bộ có thể sử dụng thiết bị GPS để theo dõi vận tải trên đường và xác định vị trí chính xác của xe trên đường. 2. Thu phí động: Hệ thống GPS có thể sử dụng để tính toán khoảng cách và tốc độ xe trên đường, giúp cho việc thu phí trở nên hiệu quả hơn. 3. Quản lý bản ghi: Hệ thống GPS có thể lưu trữ thông tin vị trí và thu phí của xe, giúp cho việc quản lý và kiểm tra bản ghi thu phí dễ dàng hơn. 4. Giảm tối đa việc trốn tránh thu phí: Việc sử dụng công nghệ GPS giúp cho việc quản lý và thu phí đường bộ trở nên hiệu quả hơn, giảm tối đa việc trốn tránh thu phí. |