Nhưng rồi, đùng một cái, ngày 15/11 năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư 35, đổi tên "phí sử dụng đường bộ" thành "giá dịch vụ sử dụng đường bộ". Từ đó, các trạm thu phí đều đổi thành "trạm thu giá" khiến báo chí và dư luận dậy sóng. 

Trước phản ứng của dư luận, ngày 30 tháng 12 năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải ban hành tiếp thông tư số 49 Quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Tên gọi “trạm thu giá” vẫn giữ nguyên. Dư luận tiếp tục phản ứng. 

Ngày 4/6/2018, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa "tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉnh sửa tên trạm thu phí thành một tên khác phù hợp". 

Lúc đó, không đồng tình với “lộ trình” của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói "cứ đưa về tên cũ trạm thu phí là ổn", “tên Trạm thu phí là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. Nếu Bộ Giao thông Vận tải cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết”. 

Ngày 2/6/2018 trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ GTVT không sử dụng tên "trạm thu giá". 

Ngày 10/7/2018, Tổng cục Đường bộ ra văn bản chính thức yêu cầu các doanh nghiệp dự án BOT chuyển tên "trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ" thành "trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ". 

{keywords}
“Thu giá” lại hoàn “thu phí”

Cứ tưởng vòng luẩn quẩn của chuyện “thu giá” hay “thu phí” đến đây là chấm dứt thì bất ngờ đầu tháng 5/2019, sau một thời gian trả lại tên "trạm thu phí" cho các "trạm thu giá", Bộ Giao thông Vận tải lại đưa ra dự thảo thông tư theo hướng đổi tên trạm thu phí thành "trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ" để thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Dư luận lại dậy sóng. 

Ngày 20/08/2019 vừa qua, báo chí đồng loạt thông tin, trong dự thảo thông tư mới nhất, Bộ GTVT đã quay trở về với tên gọi quen thuộc “trạm thu phí”. 

Như vậy, chỉ vì một cái tên – một từ “thu phí” vốn đã được sử dụng ổn định hàng chục năm nay - mà Bộ Giao thông Vận tải đã có ít nhất 5 lần ra thông tư để sửa đổi. Điều đó cho thấy những bất cập trong việc xây dựng văn bản pháp quy hiện nay ở Bộ Giao thông Vận tải. 

Văn bản pháp quy phải mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng được đòi hỏi thực tế của xã hội, vì lợi ích của đất nước, của người dân. Vì thế, lối tư duy làm luật duy ý chí theo kiểu đóng cửa phòng máy lạnh, thiếu minh bạch, không khách quan, không khoa học, áp đặt vì lợi ích cục bộ tất yếu sẽ đẻ ra những quy định trái với thực tế, bị dư luận phê phán là chuyện đương nhiên. 

Với chuyện “thu phí”, “thu giá”, dư luận từng đặt câu hỏi, hành động “cố đấm ăn xôi” như thế là vì ai? Liệu có phải sau khi các trạm thu phí BOT bị phản ứng, thì người ta chuyển sang dùng “trạm thu giá” để né tránh, đối phó? 

Và bây giờ, chấp nhận việc “trả lại tên cho em” bỗng làm chúng ta liên hệ đến thành ngữ “mèo lại hoàn mèo”. Thay “thu phí” bằng “thu giá” như đang đùa với dư luận. Ai đo được cái giá phải trả cho “trò chơi luật pháp” này trong suốt hai ba năm qua? 

Bây giờ thì có thể nói, chỉ vì sự bất cập của cá nhân hay tổ chức mà cả xã hội bị lôi vào “vòng xoáy” bất đắc dĩ, buộc đại biểu Quốc hội phải đưa ra nghị trường và người lãnh đạo cao nhất của Quốc hội phải lên tiếng, Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo.

Trong khi các doanh nghiệp, một lần nữa, lại phải hạ các biển báo “thu giá” bằng “thu phí”, tốn biết bao nhiêu tiền và công sức”, thì dư luận vẫn còn băn hoăn: liệu “thu phí” lần này đã là lần cuối?

Nguyễn Duy Xuân