Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề tại Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm (2016-2020) phát triển ngành hàng mắc ca tại Việt Nam vào ngày 29/9.

Thu gần 800 tỷ, ổn định cuộc sống cho 10 nghìn hộ dân

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay diện tích trên đạt 16,5 nghìn ha. Trong đó, trồng chủ yếu ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

Năm 2020, các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).

Báo cáo cũng nêu rõ, hiện sản phẩm mắc ca đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/năm tới thị trường như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp,...

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong cây mắc ca Việt Nam có thể "đi sau, về trước" (ảnh: VGP)

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta có tiềm năng quỹ đất lớn có thể đưa vào trồng cây mắc ca. Ông cũng nhận định, cây mắc ca đã có những tác động tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10 ngàn hộ gia đình, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, trở thành cây trồng có giá trị cao của ngành nông nghiệp.

Song, Bộ trưởng Cường cũng thừa nhận, việc phát triển cây mắc ca còn gặp khó khăn. Công tác quản lý giống cây tại một số địa phương chưa được quan tâm, nên vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém.

Công tác nghiên cứu chọn giống tốt đòi hỏi thời gian dài với chi phí lớn. Việc tiếp cận, nắm bắt nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu còn hạn chế cũng là một thách thức trong phát triển sản xuất.

Tại hội nghị, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng khẳng định, cây mắc ca không chỉ xóa đói giảm nghèo mà có thể làm giàu. Loại cây này có thể “vào được” các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chúng ta còn nhiều đồi trống, đồi trọc, nếu đưa cây vào thì không chỉ đưa miền núi tiến kịp mà có thể vượt miền xuôi. Theo đó, đưa cây mắc ca trở thành cây chủ lực trong 5-10 năm nữa là hoàn toàn khả thi.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng khẳng định, sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con, không để tình trạng “được mùa, mất giá”. Song cần có sự điều phối, hợp tác để tránh việc “tranh mua, tranh bán”, các doanh nghiệp tranh mua sản phẩm trong nước và hạ giá để tranh bán ra nước ngoài.

Quy hoạch vùng trồng, đừng để phát triển ồ ạt

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là một loại cây, loại quả có thể “đi sau, về trước” nếu biết cách làm.

Theo Thủ tướng, sau gần 125 năm, cây cà phê của Việt Nam mới trở thành cây công nghiệp đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Vậy một câu hỏi đặt ra là, đối với cây mắc ca, với tinh thần “đi sau, về trước”, vào Việt Nam khảo nghiệm, phát triển và bước đầu đã thành công thì cần 10 hay 20 năm tới đây để có thể trở thành cây đứng đầu thế giới, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phải trả lời cho được những câu hỏi để làm sao mắc ca có thể phát triển xứng tầm với điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

{keywords}
Theo Thủ tướng, giống mắc ca là yếu tố quyết định, đừng để trồng mà không có quả thì tội cho người dân (ảnh: VGP)

Cây mắc ca chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt, không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế, vì cây có thể vào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào có thu nhập thấp, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Cây mắc ca có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết rất nhiều việc làm cho người dân.

Thủ tướng mong muốn cây mắc ca có thể “đi sau, về trước”, nếu chúng ta biết ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị.

Đến nay, không chỉ có thị trường, thu nhập mang về từ trồng cây mắc ca lên tới 250 triệu đồng/ha, gấp 3 lần cây cà phê. Do đó, cần có quy hoạch vùng trồng, đi liền với quản lý giống, xử lý vấn đề vốn, đẩy mạnh chế biến sâu… Cần nghiên cứu thấu tình đạt lý, đừng để phát triển ồ ạt.

Mắc ca là sản phẩm tốt, cũng là nguyên liệu tốt cho các sản phẩm chế biến sâu khác như nguyên liệu mỹ phẩm cao cấp, socola nhân mắc ca, bột dinh dưỡng… Phải đi theo hướng này thì mới có giá trị gia tăng cao.

Theo Thủ tướng, giống là yếu tố quyết định. Hiện nay có 13 loại giống được công nhận và một số giống mới do doanh nghiệp nhập về, phải lựa chọn phù hợp.

Nhắc lại phản ánh của nông dân về vấn đề giống tại cuộc đối thoại ngày 28/9, Thủ tướng lưu ý, phải quản lý, công bố cụ thể, “đừng để trồng mà không có quả thì tội cho người dân”.

Thủ tướng cho rằng, phải tập trung quy hoạch phát triển cây mắc ca cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận trồng đại trà. Đặc biệt, phải phát triển công nghiệp chế biến, “càng sâu càng tốt”. Các ngành ngân hàng, tài chính cần dành nguồn vốn hỗ trợ trồng mắc ca cho người dân với những chính sách cụ thể về lãi suất và những ưu đãi cần thiết khác.

Tâm An - Trùng Dương