Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở Bộ Tài chính về công tác quản lý tài sản công khi vấn đề này “có nhiều quan ngại, còn thất thoát lãng phí lớn, thậm chí để các nhóm lợi ích lợi dụng hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. Ví dụ mới nhất là trường hợp bán nhà công sở cho Vũ Nhôm ở Đà Nẵng".

Sáng 8/1, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đóng góp của ngành Tài chính, thắng lợi toàn diện của đất nước trong năm nay có đóng góp không nhỏ của ngành tài chính. Trong đó có công tác thu ngân sách và kiểm soát chi ngân sách.

{keywords}
Thủ tướng dự hội nghị tổng kết ngành tài chính. Ảnh: Đức Minh

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính về việc chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều dẫn đến gây hệ lụy cho người dân, DN như đề xuất chính sách thuế VAT vừa qua.

Thủ tướng cho rằng việc thay đổi chính sách nhanh như vậy chứng tỏ việc xây dựng chính sách của chúng ta chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế -xã hội của đất nước, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sát với thực tiễn đời sống, thiếu lắng nghe, cần khắc phục vấn đề này.

Thủ tướng cũng đề nghị xem lại việc làm chính sách với tư duy, quan điểm chỉ muốn có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa hướng đến quan điểm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Thủ tướng nhấn mạnh quyền lợi người nộp thuế phải được quan tâm. Thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi pháp luật về thuế sắp tới phải có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi người nộp thuế hơn nữa.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính phải mở rộng cơ sở thu thuế. Đơn cử, Uber, Grab, Google, Facebook là mỏ vàng để mở rộng cơ sở thuế nhưng lại chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để khai thác các nguồn thu này. Do vậy, quan điểm được Thủ tướng chỉ đạo là phải mở rộng cơ sở thuế, kết hợp với điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ Tài chính về công tác quản lý tài sản công khi vấn đề này “có nhiều quan ngại, còn thất thoát lãng phí lớn, thậm chí để các nhóm lợi ích lợi dụng hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công.

“Ví dụ mới nhất là trường hợp bán nhà công sở cho Vũ Nhôm ở Đà Nẵng. Tôi đề nghị khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt chặt đứt nhóm lợi ích”, Thủ tướng yêu cầu.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; cùng với quyết tâm của mình, ngành Tài chính cũng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017 mà Quốc hội đã quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội

Thành công nhất phải nói đến điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đến hết 31/12/2017, thu ngân sách ước đạt 1,28 triệu tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng , tăng 5,9% so dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so GDP; trong đó, thuế phí 21,% GDP.

Tính đến 31/12/2017, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách. Chi đầu tư phát triển nguồn NSNN đạt khoảng 75,9% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 23,5% dự toán.

Bội chi NSNN năm 2017 được giữ trong mức đánh giá báo cáo Quốc hội (174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48% GDP thực hiện).

Lương Bằng