Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo việc chậm chính sách cho công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực vận tải. Ảnh: Cand.com.v |
Ngày 25/1/2019, Báo Thanh niên điện tử có bài "Nhận thức được cơ hội to lớn từ nền công nghiệp 4.0 nhưng chúng ta vẫn chưa có được sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng này", trong đó có nội dung phản ánh về "Nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ chưa thực sự rõ ràng. Rõ nhất là các ứng dụng gọi xe công nghệ, đã hơn 2 năm nghiên cứu với 6 lần chỉnh sửa, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được khung pháp lý rõ ràng. Sự chậm trễ về chính sách là nguyên nhân gây ra nhiều xáo động trong môi trường kinh doanh vận tải, dẫn đến vụ kiện Vinasun và Grab. Có ý kiến cho rằng, "nóng" chủ trương nhưng "nguội" thực tế". Về các nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/2/2019.
Trước đó, tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ TT&TT cuối năm 2018, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, muốn trở thành cường quốc về CNTT thì Việt Nam cần đi đầu trong khuôn khổ pháp lý về số hóa. Ông Bình nêu ra một dẫn chứng rất cụ thể liên quan đến chính sách cho các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ mới: “Các quy định do chúng ta quyết định, nếu ứng xử với Uber như vừa rồi thì ai còn muốn đầu tư vào Việt Nam nữa. Một mô hình kinh doanh công nghệ hiện đại mà rất nhiều nước phát triển khuyến khích, Việt Nam lại cản trở. Thông thường khi một mô hình kinh doanh mới ra đời thì mô hình cũ sẽ tìm cách cản trở, vậy chúng ta sẽ ứng xử với mô hình cũ thế nào, thay đổi chính sách thế nào để thúc đẩy mô hình mới, điều này rất cần để phát triển”.
Mới đây, tại hội nghị DAVOS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu về kinh tế Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy sự năng động và sáng tạo trong cách mạng 4.0”.
Tại buổi gặp gỡ các tập đoàn lớn trong hội nghị này, Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến các hiệp hội doanh nghiệp các nước, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu”. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam định hình khuôn khổ pháp lý minh bạch, ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến. Theo Thủ tướng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng doanh nghiệp, đem đến những thay đổi sâu sắc, mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Nỗ lực vượt qua khó khăn, hạn chế, thách thức, Việt Nam coi đây là cơ hội to lớn khi các quốc gia cạnh tranh bằng sáng tạo, mà không phải chỉ bằng các yếu tố truyền thống như tự do thương mại, quy mô, kinh nghiệm, lao động, vốn đầu tư.
Tổng giám đốc sáng lập Grab Taxi, ông Anthony Ping Yeow Tan cho biết, Việt Nam là quốc gia thứ 2 mà hãng đến đầu tư, cách đây hơn 5 năm với khoản vốn trên 100 triệu USD. “Kết quả rất tốt, chúng tôi rất hài lòng. Chúng ta đã phát triển những trung tâm công nghệ với hàng trăm kỹ sư”, ông Anthony Ping Yeow Tan nói và mong muốn được biết quan điểm của Chính phủ đối với mô hình kinh doanh mới mẻ như Grab.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhìn nhận Grab là mô hình kinh doanh mới, ảnh hưởng mạnh đến các mô hình kinh doanh truyền thống. Chính phủ Việt Nam nhìn nhận cuộc cách mạng 4.0 mang tính chính sách nhiều hơn là công nghệ. Do đó, các chính sách của Chính phủ có xu hướng hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ mới. Câu chuyện của Grab và các mô hình tương tự sẽ được Chính phủ Việt Nam giải quyết một cách tích cực.
Trước vấn đề này, Thủ tướng cho rằng quan điểm không quản lý được thì đóng cửa là lạc hậu, đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ những ý tưởng, mô hình kinh doanh có tính đột phá, không chỉ ủng hộ những doanh nghiệp mà quan trọng hơn là ủng hộ những giá trị sáng tạo, đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, ủng hộ xu hướng tiến bộ, giúp đem lại lợi ích và tiện ích, tiện nghi cho người dân. Đó là khía cạnh bền vững của nền kinh tế, một yếu tố của nền kinh tế số.