Thủ tướng yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để giải quyết “3 điểm nghẽn” của giáo dục mầm non; trong đó cần huy động mọi nguồn lực, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng, biên chế giáo viên.
Sáng 4/4, phát biểu kết luận phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về "đổi mới phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Thủ tướng ghi nhận, những năm qua, giáo dục đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển đất nước.
Trong đó, giáo dục mầm non đã có những bước phát triển quan trọng về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục mầm non nói riêng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục; cũng như những khó khăn, thách thức trước mắt cần nỗ lực lớn để vượt qua.
Giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam.
Theo Thủ tướng, giáo dục mầm non là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người. Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời. Vì vậy, phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, đổi mới và phát triển giáo dục mầm non phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp xu thế phát triển thời đại; phù hợp thực tiễn, hoàn cảnh đất nước trong bối cảnh hiện nay; tháo gỡ được các vướng mắc; đổi mới cách huy động nguồn lực, lấy hợp tác công tư là chính.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để giải quyết “3 điểm nghẽn”, hạn chế của giáo dục mầm non (nhân lực; cơ sở vật chất; tiếp cận chưa bình đẳng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…).
Trong đó, cần huy động mọi nguồn lực, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; có cơ chế chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục mầm non như vấn đề biên chế giáo viên…
Thủ tướng quán triệt cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội.
Hằng năm, cả nước có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại hơn 15.000 trường mầm non và gần 16.000 cơ sở độc lập. Trong đó, 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 82,2%...
Việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên mầm non, cán bộ quản lý giáo dục mầm non ngày càng được quan tâm (tăng cả về số lượng, chất lượng).
Các chính sách của Chính phủ, như: Hỗ trợ tổ chức nấu ăn, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ trẻ mầm non là con em công nhân đã góp phần không nhỏ để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học.
Bộ Chính trị yêu cầu cần tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
Quốc hội yêu cầu chậm nhất hết năm 2025, các địa phương hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra cần rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương, phụ cấp cho giáo viên.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 29 sẽ bảo đảm tiền lương cơ bản cùng với phụ cấp của giáo viên cao hơn bảng lương hành chính sự nghiệp.