- Bài học xây dựng sân bay Long Thành đắt giá không phải ở việc sai, đúng mà là một ý tưởng tạo đà bứt phá cho phát triển mất 20 năm mới dám quyết.

TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ không thôi xót xa khi nhắc đến ví dụ này để nói về bài học hội nhập kinh tế đó là sự dịch chuyển tốc độ. Không quyết được đúng thời điểm làm sao không tụt hậu?

Nói trước các doanh nghiệp TPHCM trong hội thảo về nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trước bối cảnh các hiệp định FTA thế hế mới do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 18/9, TS Võ Trí Thành lưu ý sau thời kỳ hội nhập WTO, giờ đây sân chơi cho các doanh nghiệp mênh mang rộng mở. Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra yêu cầu DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự.

Trong số 15 hiệp định thương mại tự do VN tham gia, TS Võ Trí Thành đặc biệt lưu ý FTA với EU và TPP (sắp ký kết) có chất lượng cao nhất, nhất là TPP.

{keywords}

TS Võ Trí Thành. Ảnh: VietNamNet

Thắng thật - thắng giả, thua thật - thua giả

Theo TS Võ Trí Thành, có ý nghĩ lo sợ DN ta hội nhập sẽ "chết". Nhưng thực tiễn hội nhập WTO cho thấy, có những cái chết để DN VN tự mình vươn lên, học được bài học hữu ích. TS Thành lấy ví dụ, một năm sau khi gia nhập WTO, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Có thể thành tích xuất khẩu giá trị gia tăng chưa cao nhưng gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ lên 30 lần trong vòng 15 năm là "kỳ diệu".

Con số kỳ diệu đó của VN vẫn chỉ chiếm hơn 1% nhập khẩu của Mỹ nhưng nhiều DN đã "thua giả, thắng thật". "Hội nhập dạy cho DN chúng ta về sự thắng thật, thắng giả, thua thật, thua giả. Năng lực cạnh tranh quyết định thắng thật, còn thắng nhờ bầu sữa bảo hộ, ô dù che chắn là thắng giả, dễ chết" - ông nói.

Theo ông, sau 8 năm gia nhập WTO, những gì VN trải nghiệm trong hội nhập kinh tế cho thấy thách thức lớn nhất không phải là vượt qua khó khăn mà là khai thác cơ hội.

Nhưng nếu gắn khai thác cơ hội với chuẩn bị năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, DN, TS Võ Trí Thành rầu lòng thừa nhận, những chuyên gia nghiên cứu vĩ mô như ông từng đặt vấn đề nghiên cứu bài bản tương đối cụm từ "năng lực cạnh tranh" từ tận 1997 mà nay vẫn thấy "lúng túng". VN vẫn cạnh tranh theo chi phí nhân công thấp (mức cạnh tranh thấp nhất), nền kinh tế cộng hưởng phá giá nội tệ...

Do đó, ông đặc biệt lưu ý bài học về sự chuyển dịch tốc độ như kinh nghiệm xương máu về sự dứt điểm của dự án sân bay Long Thành. Thứ hai là phân khúc, kết nối, sản xuất theo chuỗi. Các DN VN phải tính toán, biết làm phép chia lớn hơn phép nhân.

"Nhưng tận dụng cơ hội chỉ là một khía cạnh. Đừng nghĩ những hiệp định mang đến ổ voi, ổ gà mà nghĩ đến thị trường mênh mông bể sở để chuẩn bị năng lực cạnh tranh" - ông nói.

{keywords}

Doanh nghiệp Việt không thể duy trì truyền thống nước đến chân mới nhảy

Đừng để nước đến chân mới nhảy

Phó hiệu trưởng Trường Đào tạo doanh nhân PACE Bùi Văn lo lắng hội nhập trong sân chơi TPP cực kỳ nhiều cơ hội nhưng thách thức song hành. Vậy mà DN nói chung vẫn còn truyền thống hội nhập kiểu "nước đến chân mới nhảy". Trong khi nền kinh tế mới chỉ có chưa đến 1 triệu DN so với mức cần có tương ứng quy mô dân số hiện nay phải 2 triệu mới bảo đảm cạnh tranh.

Điều khiến ông lo lắng nhất là tình trạng "li ti hóa", với số DN nhỏ, siêu nhỏ chiếm chủ đạo nên nếu đảm bảo cạnh tranh phải liên kết theo hiệp hội. Ông Văn còn lo lắng các DN trong khối các nước đàm phán TPP đã tiếp cận tìm hiểu hiệp định này ngay cả khi nó bị "khóa" thông tin trong khi DN VN vẫn còn chờ.

"Nếu DN cứ chờ cái công chúng biết để đi theo thì suốt đời đi sau, ở đáy. DN buộc phải tự chuẩn bị cuộc chơi, tìm hiểu thông tin. Tại sao chúng ta cứ ngồi chờ Chính phủ?"

Ông Đặng Đức Thành, chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế cho rằng có 2 vấn đề của DN. Về chiến lược kinh doanh, có DN không nghiên cứu đầy đủ thị trường nên ra chiến lược sai, có DN lại không làm theo đúng chiến lược đã đề ra.

"Khi tôi nuôi con cá basa hay khi làm cái cúc áo, vào TPP sẽ thế nào? Không một Chính phủ nào trả lời được câu hỏi cụ thể như vậy. Ở đây cần vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, thay doanh nghiệp đi tìm thị trường, xây dựng chiến lược cho ngành" - ông Thành nêu ví dụ.

Một đại diện một DN khác lo lắng không phải chỉ tình trạng "li ti hóa" DN mà là bản lĩnh của DN trước cơ hội to lớn lên có dám dấn thân hay "né" to lớn lên để chi phối một chuỗi sản xuất khi những cơ hội trong TPP bày ra trước mắt.

TS Võ Trí Thành dẫn một báo cáo khảo sát khó khăn của DN VN nêu 15 điểm cản trở. Đáng lưu ý "tham nhũng" chỉ đứng hàng thứ 10. Khảo sát cho thấy chi phí không chính thức một DN có thể phải gánh khoảng 0,2% doanh số của DN. Khi được hỏi về việc cần thiết cải tổ triệt để hải quan để tránh chi phí phi chính thức này thì DN cho hay mức 0,2% họ vẫn chấp nhận được.

"Tôi không thể hiểu tư duy, suy nghĩ như vậy. Có nhiều vấn đề khiến DN VN lớn lên được, nhưng cái quan trọng nhất là tư duy. Đặc biệt phải có khát vọng làm giàu. Có khát vọng nhưng cũng phải biết đặt chân xuống đất, đừng để khát vọng bay bổng, chân thì không hạ đất" - ông Thành nói.

Xuân Linh