Bản tin thị trường lao động số 1 vừa được Bộ Lao động - thương binh và xã hội công bố, đưa ra số lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp trong quý 4-2013 là hơn 158.000 người, tăng khoảng 72.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tăng 1,7 lần
Theo bà Chu Thị Lân - phó giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo chiến lược thuộc Viện Khoa học lao động và xã hội, con số tăng này gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. “Đây là tỉ lệ do Tổng cục Thống kê cung cấp và chúng tôi tính toán các số liệu dựa trên thông tin điều tra của Tổng cục Thống kê” - bà Lân khẳng định.
|
Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist - nơi được một số bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc tìm đến tiếp tục học nghề - Ảnh: Quang Định |
Phân tích về chuyện vì sao lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng nhanh như vậy, bà Lân cho rằng đây là một hệ quả của suy thoái kinh tế. “Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã phải đóng cửa, phá sản và tạm dừng sản xuất thời gian vừa qua nên số lao động thất nghiệp tăng cao. Nhóm lao động có trình độ cao lại thất nghiệp nhiều hơn cả vì họ khó gia nhập thị trường lao động phi chính thức hơn những nhóm lao động khác” - bà Lân phân tích.
Theo bà Lân, thị trường lao động Việt Nam có đặc thù là số lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm tới 2/3 tổng lực lượng lao động. Do vậy, những lao động không có trình độ khi bị thất nghiệp dễ dàng chấp nhận các công việc phi chính thức hơn, nhưng những lao động trình độ cao lại không dễ dàng như vậy. Đó là lý do chính khiến tỉ lệ lao động trình độ cao thất nghiệp tăng nhanh trong hơn một năm trở lại đây khi kinh tế suy thoái.
Theo số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong năm 2013 có gần 61.000 doanh nghiệp phải giải thể hoặc bị phá sản, cộng thêm số lượng của năm 2012, số doanh nghiệp diện này đã là 111.000. Tình hình này càng làm tăng số thất nghiệp.
Đào tạo thừa, thiếu dự báo
Nhìn số lượng lao động có trình độ thất nghiệp tăng, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do đào tạo lệch với nhu cầu sử dụng và thiếu dự báo về nhu cầu sử dụng thật sự của các ngành kinh tế. Thực tế phản ánh đúng nguyên nhân trên và đến giờ vẫn chưa có các giải pháp quyết liệt để cải thiện tình trạng này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Bùi Văn Ga đã nhiều lần cảnh báo tình trạng dư thừa nhân lực tại một số ngành như: sư phạm, điều dưỡng, xây dựng, kinh tế - quản lý. Tuy nhiên bộ này cũng chưa có những giải pháp rà soát thực trạng đào tạo của các trường, từ đó phân chia chỉ tiêu đào tạo hợp lý và gắn kết hơn với thị trường lao động.
Theo quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2011, tới năm 2015 nước ta chỉ cần khoảng 3,3 triệu lao động có trình độ đại học và khoảng 200.000 lao động trên đại học.
Còn theo số liệu từ bản tin thị trường lao động, đến nay nước ta đã có 3,724 triệu lao động có trình độ đại học trở lên, như vậy lực lượng lao động này ở thời điểm hiện tại đang dư thừa. Số lượng sinh viên tốt nghiệp gia nhập thị trường lao động trong năm nay sẽ tiếp tục làm tăng số lao động dư thừa này.
Bản quy hoạch nhân lực đã được Chính phủ phê duyệt có các thông tin tương đối chi tiết về nhân lực của từng ngành. Tuy nhiên tới nay ngành giáo dục và cơ quan quản lý về lao động chưa có thêm biện pháp quyết liệt nào để đưa bản quy hoạch nhân lực này vào thực tế.
Hoạt động đào tạo hiện nay ở các trường đại học, cao đẳng thực chất nghiêng về mục tiêu nuôi sống trường hơn là phục vụ nhu cầu xã hội, đáp ứng thực tế thị trường lao động. Tình trạng này vẫn tiếp diễn thì số lao động tốt nghiệp đại học thất nghiệp dự báo còn tiếp tục.
Theo bản tin thị trường lao động được công bố, tỉ lệ lao động tốt nghiệp đại học trở lên thất nghiệp đang tăng đều qua các quý kể từ quý 4-2012 đến hết năm 2013. Cụ thể, vào quý 4-2012 tỉ lệ này là 2,57%, tới quý 1-2013 tăng lên 3,5%, tăng tiếp ở quý 2-2013 lên 3,65% và tới quý 3-2013 tỉ lệ này là 4,36%. “Tỉ lệ lao động thất nghiệp tăng lên có vẻ ít, nhưng tính ra con số tuyệt đối thì rất nhiều” - bà Chu Thị Lân nhận xét. |
Theo Tây Giang (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)