3 năm trở lại đây, đồng bào người H’Mông ở bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) đang nỗ lực thuần hoá giống cây sâm bảy lá, một hoa dưới những tán rừng nguyên sinh, ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển về gieo trồng trong nương rẫy gần nhà.

Cây sâm bảy lá được biết đến là dược liệu quý cho người sử dụng và mang lại thu nhập khá cho đồng bào người H’Mông ở vùng biên viễn. Ngoài tên gọi "thất diệp nhất chi hoa" (bảy lá một hoa), loài sâm này còn được gọi với các tên khác như: tảo hưu, độc cước liên, thiết đăng đài, chi hoa đầu, thảo hà xa. 

W-sam-bay-la-1-1.jpg
Bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An có 100% đồng bào người H'Mông sinh sống. Ảnh: Quốc Huy

Cây sâm bảy lá ở bản Phá Lõm giáp biên giới nước bạn Lào thường mọc hoang dại dưới tán rừng, trong thung lũng và khe núi, nơi có độ ẩm không khí cao, mát mẻ, thích hợp từ nhiệt độ 22-28 độ C. Trường hợp dưới ánh nắng bức xạ cây sâm sẽ kém phát triển, lá bị vàng.

Cây sâm có thân thẳng đứng, cao đến 1m, không phân nhánh, màu lục hoặc hơi tím. Giữa thân cây có một tầng lá mọc vòng từ 5-7 lá, hình trứng-bầu dục. Gốc cây tròn hoặc hình tim, đầu nhọn, mép nguyên, mặt dưới màu lục nhạt hoặc hơi tím đỏ. Hoa đơn, lá đài hình mũi mác màu lục, lá xếp thành vòng trên thân.

Trao đổi với PV, ông Xồng Bá Nỏ - Phó bí thư thường trực xã Tam Hợp chia sẻ, cây sâm bảy lá được người dân đi rừng phát hiện, đào củ về sử dụng nhiều năm qua.

Trước nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều nhưng số lượng ở trong rừng ngày càng khan hiếm, người dân ở vùng biên trong 3 năm qua bắt đầu ươm hạt giống, trồng thí điểm cây sâm gần hơn với bản làng.

Trong 3 năm, chính quyền xã Tam Hợp đã vận động 10 hộ dân ở bản Phá Lõm có ưu thế về vị trí địa lí, khí hậu mát mẻ quanh năm, trồng thí nghiệm trên diện tích 3.500m2.

W-sam-bay-la-3-1.jpg
Ông Xồng Bá Nỏ - Phó bí thư thường trực xã Tam Hợp (bên phải) trong vườn sâm bảy lá một hoa. Ảnh: Quốc Huy

Từ đầu năm nay, chính quyền địa phương tiếp tục vận động các hộ trồng thêm khoảng 1ha. Việc chăm sóc cây sâm bảy lá đòi hỏi nhiều yếu tố như kỹ thuật, phân bón... nên người dân ở vùng biên chưa mặn mà với loại cây dược liệu "khó tính" này.

“Trước sự hỗ trợ của đơn vị dự án từ chăm sóc, phân bón, đến cung ứng nguồn giống, đã có thêm 9 hộ đăng ký mới trồng sâm bảy lá. Cây sâm trồng từ 3 đến 5 năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch củ để ngâm rượu, nấu nước, làm thuốc...” - ông Nỏ chia sẻ.

Cũng theo ông Nỏ, cây sâm bảy lá chủ yếu được phát hiện, trồng ở vùng khí hậu mát mẻ. Việc trồng sâm không chỉ bảo vệ rừng mà còn chăm sóc, tạo điều kiện cho tán rừng phát triển ở vùng biên giới.

“Cây sâm trồng ở trong khu vực rừng sâu, nhiều tán lá thì tốt hơn việc trồng ở gần bản làng. Trước đây, một số hộ dân đưa giống vào trồng trong rừng, khoảng 2-3 năm thu hoạch sẽ cho kích thước củ sâm khác nhau. Tuy nhiên, do chưa quản lý được diện tích, cây trồng nên người dân đã từ bỏ vì hao hụt” - ông Nỏ bộc bạch.

W-sam-bay-la-7-1.jpg
Cây sâm bảy lá đang được người dân đưa về trồng gần nhà tại bản Phá Lõm. Ảnh: Quốc Huy
W-sam-bay-la-5-1.jpg
Lá và hoa cây sâm ưa bóng mát. Ảnh: Quốc Huy

Những người dân trồng loại sâm này chia sẻ, chu kỳ đầu, nhánh lá sâm mọc lên và cuối năm sẽ rụng xuống. Thông thường, mỗi cây sâm có từ năm đến sáu lá, còn ở vùng đất tươi tốt, có tán che phủ kín sẽ cho ra bảy lá và một hoa.

Cây sâm bảy lá nếu trồng được nhiều sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân. Ngoài ra, khi được trồng quy mô lớn sẽ làm thay đổi thói quen, tập tục dựa vào rừng của người dân nơi đây.

W-sam-bay-la-8-1.jpg
Củ sâm bảy lá được người dân đào từ trong rừng sâu đưa về bản làng. Ảnh: QH

"Những người đi rừng lâu năm mới có thể phát hiện ra cây sâm bảy lá vì loại này sống ở tầm thấp, khó phát hiện. Bình quân mỗi mùa người dân bản Phà Lõm thu hoạch được khoảng từ 50-60kg sâm” - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tam Hợp chia sẻ, giá của mỗi cân sâm dao động từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/kg.

"Củ sâm bảy lá có bao nhiêu cũng đều bán hết. Thậm chí nếu bây giờ có hàng tấn thì rất nhiều người sẵn sàng bao tiêu cho người dân. Hy vọng, cây sâm bảy lá sẽ là cây chủ lực trong tương lai, giúp bà con đồng bào người H'Mông an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống và sớm thoát cảnh đói nghèo ở vùng biên giới Nghệ An", ông Nỏ chia sẻ.