Dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của LHQ hồi tháng 10/2022, đánh giá về vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam - bà Pauline Tamesis cho rằng, kể từ khi gia nhập LHQ vào tháng 9/1977, Việt Nam đã chuyển từ một quốc gia phụ thuộc vào sự hỗ trợ của LHQ trở thành một quốc gia đóng góp mạnh mẽ vào chương trình nghị sự của khu vực và toàn cầu; thể hiện vai trò là thành viên ngày càng tích cực của cộng đồng quốc tế, trong đó có những đóng góp cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh của LHQ.

Trong giai đoạn vừa qua, phối hợp với Văn phòng Điều Phối viên Liên hợp quốc, các quỹ, chương trình Liên hợp quốc, Việt Nam đã thông qua các Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) giai đoạn 2022-2026 và Khung hợp tác phát triển bền vững Việt Nam-Liên hợp quốc (trước đây là Kế hoạch Chiến lược chung) giai đoạn 2022-2026. Chương trình bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên: phát triển xã hội bao trùm; chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và bền vững môi trường; chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi nền kinh tế; quản trị và tiếp cận công lý. 

Điều phối viên thường trú LHQ đánh giá cao sự năng động và đóng góp tích cực của Việt Nam trong vai trò là thành viên của LHQ trong những năm qua, cũng như những cam kết gần đây của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26).

Nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết tại Hội nghị COP 26 về việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải mêtan, Tuyên bố Glasgow các nhà Lãnh đạo về Rừng và Sử dụng đất, Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động Thích ứng toàn cầu.

W-caylua.png
Việt Nam đang triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn liền với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 493 lượt sỹ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam Sudan và 1 đội công binh tại Phái bộ ở Abyei (khu vực tranh chấp giữa Nam Sudan và Sudan); là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.

Việt Nam đã lồng ghép được các lợi ích, ưu tiên thông qua việc chủ trì, thúc đẩy các sáng kiến, văn kiện tại Hội đồng Bảo an, gắn kết vai trò ASEAN trong các hoạt động của Hội đồng Bảo an, khẳng định năng lực điều hành, từng bước thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại Hội đồng Bảo an với nhiều dấu ấn tích cực: Đã đề xuất, chủ trì soạn thảo, thương lượng, thông qua nhiều văn kiện, gồm: 2 Nghị quyết về Gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; 3 Tuyên bố Chủ tịch của Hội đồng Bảo an về Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, Tăng cường quan hệ giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và Giải quyết hậu quả bom mìn; 1 Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; 1 Văn kiện Cam kết Hà Nội của Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người: Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước.

Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Không chỉ có thế, thời gian qua, Việt Nam đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc như thành viên Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027; hiện đang đẩy mạnh vận động ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, một số cơ chế của Liên hợp quốc như Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027.

Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với 112 quốc gia đồng thuận. Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của Liên hợp quốc và 1 triệu USD cho COVAX và đang chuẩn bị đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX, trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC của Liên hợp quốc.