“Phát triển ngành Tôm xanh và bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” – Đây là chủ đề của Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Sở NN&PTNT Bạc Liêu tổ chức ngày 26/10 tại tỉnh Bạc Liêu với sự tham gia đông đảo của hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học, quản lý ngành tôm và môi trường, cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nuôi tôm.
Theo kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025: Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; tổng sản lượng tôm nuôi đạt trên 1 triệu tấn; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỉ USD. Tuy vậy, thực tế năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000 ha, sản lượng 745.000 tấn nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,3 tỉ USD.
Nuôi tôm quan trọng nhất là nguồn nước, nước có sạch tôm mới phát triển tốt. Bài toán về môi trường gồm: bùn thải, thức ăn, thuốc, hóa chất thừa, nước thải… từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu, chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp... là những hạn chế và thách thức lớn đối với ngành tôm hiện nay, ảnh hưởng đến giá trị ngành tôm bao gồm giá cả nguyên vật liệu, biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý và giảm phát thải liên quan đến bảo vệ môi trường; đề xuất các giải pháp và công nghệ giúp giảm phát thải trong ngành nuôi tôm và chế biến xuất khẩu. Các nhà khoa học cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển mô hình nuôi tôm bền vững, hướng tới sản xuất sạch và thân thiện với môi trường.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã trình bày kết quả ban đầu về xây dựng và triển khai phần mềm quản lý chuỗi tôm của Dự án NDC Nông nghiệp cho ngành hàng tôm tại Bạc Liêu, thực trạng nuôi trồng thủy sản và định hướng phát triển tôm ở Việt Nam trong thời gian tới, định hướng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước cho sản phẩm tôm, phát triển chuỗi sản xuất tôm xanh; dấu vết carbon và giải pháp giảm phát thải.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ NN và PTNT nhấn mạnh: Việc chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam theo hướng xanh, carbon thấp, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, tích hợp đa giá trị với hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch gắn với quá trình chuyển đổi số và liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong các chuỗi giá trị là một tất yếu và góp phần vào thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia và các cam kết quốc tế của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Bạc Liêu cho biết, các chính sách của tỉnh Bạc Liêu về nuôi trồng thủy sản hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và phát triển năng lượng tái tạo bao gồm nhiều chính sách liên quan đến nhiều lĩnh vực về ứng phó với biến đổi khí hậu; về phát triển sản xuất theo hướng giảm phát thải; cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích ứng phó với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính, về phát triển năng lượng tái tạo tại Bạc Liêu và các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, về tài chính trong chuỗi giá trị tôm. Nuôi tôm thời gian tới phải hướng đến hiệu quả bền vững cả về kinh tế và môi trường.
Theo ông Patrick Haveman, Phó Đại diện UNDP Việt Nam, “Khu vực đồng bằng sông Cửu long có nhiều tiềm năng để tái cấu trúc lại các chuỗi sản xuất cung ứng tôm tư nhiên với giá trị cao. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở và trang trại nhỏ và vừa này tăng cường liên kết hợp tác để tạo ra một dòng sản phẩm tôm hữu cơ, tôm sinh thái có thương hiệu đặc thù của vùng ĐBSCL. Song song với đó, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để giúp các cơ sở sản xuất này có truy xuất nguồn gốc và dấu chân carbon cho các dòng tôm sinh thái này, từ đó góp phần mở rộng và ổn định nguồn cung ứng tôm chất lượng cao, đáp ứng cho các chuối cung ứng tiêu dùng cao cấp trong nước hoặc xuất khẩu đi các thị trường quốc tế.