Bàn về việc thúc đẩy quyền về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh công nghệ mới hiện nay, ông Björn Andersson, Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới đây có bài viết quan trọng.
Mở đầu bài viết nhân ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) năm nay, ông Björn Andersson khẳng định: Sáng tạo và công nghệ mới có khả năng trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, giúp họ hiện thực hiện các quyền và sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của mình.
Điện thoại di động và Internet là một phần trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người dân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, phụ nữ và trẻ em ngày càng chú trọng sử dụng các công nghệ này để tiếp cận và chia sẻ các thông tin về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, bao gồm các vấn đề về sức khỏe kinh nguyệt, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục giới tính và tình dục toàn diện.
Các tổ chức cộng đồng trong khu vực cũng thường xuyên quảng bá online các chiến dịch, thách thức những định kiến cổ hủ về giới và tình dục, sử dụng sức mạnh của mạng xã hội để gia tăng tầm ảnh hưởng của mình.
Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khu vực châu Á-Thái Bình Dương cảnh báo, những tác nhân gây trầm trọng hóa những bất bình đẳng sẵn có trong bối cảnh hiện nay như đại dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu sẽ đem lại nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục nói chung và tăng nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, chính những khủng hoảng toàn cầu này lại dạy chúng ta cách để vượt qua những rào cản về khoảng cách hay đi lại, từ đó ra đời các mô hình khám bệnh từ xa, có thể có đơn thuốc dễ dàng hơn, và sự hình thành của các nền tảng số nhằm giải quyết bạo lực đối phụ nữ và trẻ em gái.
Để có thể gia tăng những tiến bộ vì phụ nữ và trẻ em gái, cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng, xóa bỏ hoàn toàn những trường hợp tử vong mẹ sau sinh do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa được, chấm dứt những định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới, và đạt được bình đẳng giới thông qua việc phát triển, nhân rộng những ứng dụng công nghệ và sáng kiến số, hiện UNFPA đang ngày càng gia tăng đầu tư vào những phương pháp đổi mới và những sáng kiến số, điển hình như trải nghiệm thực tế ảo, ứng dụng trên điện thoại và các kênh giải trí giáo dục trên điện thoại ở nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phần cuối bài viết, Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh, phụ nữ và trẻ em gái cần phải là trung tâm của quá trình xây dựng, phát triển những giải pháp mới mẻ và sáng tạo góp phần đem lại bình đẳng giới cho mọi người.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất lúc này là làm sao để mọi phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm những người ở vùng sâu vùng xa, có thể tiếp cận những sáng kiến này, làm sao để họ có đủ kiến thức, kỹ năng và nguồn lực để sử dụng chúng.
“Báo cáo Chênh lệch giới khi sử dụng thiết bị di động” của Hiệp hội Hệ thống điện thoạti di động oàn cầu (GSM) cho thấy, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, phụ nữ có tỷ lệ sử dụng Internet trên điện thoại di động thấp hơn 16% so với nam giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu điện thoại di động giữa nam và nữ chênh lệch tới 19% trên toàn bộ khu vực Nam Á.
Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi khoảng cách số này cần phải là ưu tiên của các chính phủ và các đối tác trong quá trình các quốc gia đang phục hồi hậu đại dịch. Đẩy mạnh kiến thức số, giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) và các ngành nghề, đồng thời tận dụng các hình thức đầu tư để phát triển số hóa toàn diện sẽ có ảnh hưởng rất tích cực tới vị thế kinh tế và xã hội của phụ nữ.
Chỉ khi phụ nữ và trẻ em gái có thể được tiếp cận những công nghệ mới, tận dụng được những lợi ích mà công nghệ mang lại, thì chúng ta mới có thể đem lại những giải pháp công nghệ thay đổi định kiến giới thực sự.
"Hãy cùng nhau xóa bỏ khoảng cách số, tận dụng sức mạnh của công nghệ và những phát kiến số để thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có quyền sức khỏe sinh sản", ông Björn Andersson kết luận.