Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn. Tính đến thời điểm tháng 7 năm 2020, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt hơn 18 triệu con, trong đó đàn gà hơn 15,7 triệu con (chiếm 87% tổng đàn gia cầm).
Huyện Yên Thế, là địa phương chăn nuôi gà lớn nhất tỉnh, với trên 1.000 hộ chăn nuôi gà, quy mô tổng đàn hàng năm là hơn 4 triệu con. Giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sự thay đổi thất thường của thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến sức đề kháng của vật nuôi, làm tăng nguy cơ phát sinh các loài dịch bệnh, đặc biệt tại các cơ sở chăn nuôi có điều kiện nuôi dưỡng và phòng bệnh kém.
Ảnh minh họa. Thanh Tùng |
Ngày 26/4, tại huyện Yên Thế, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Yên Thế tổ chức triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên trong thực hiện đề án xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và newcastle đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế giai đoạn 2021-2025.
Đề án nhằm xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và newcastle trên gà tại huyện Yên Thế, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Cụ thể, thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và newcastle trên gà tại huyện Yên Thế; giám sát định kỳ hàng năm, duy trì điều kiện vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh sau khi được chứng nhận.
Đề án đặt kế hoạch xây dựng 30 trang trại gà an toàn dịch bệnh trong năm 2021; đưa 19/19 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Thế trở thành cơ sở ATDB trong giai đoạn 2021 – 2022.
Đội ngũ thực hiện đề án sẽ tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền cho chủ cơ sở chăn nuôi gà, cán bộ phụ trách chăn nuôi, thú y, cơ sở buôn bán thuốc thú y, giết mổ, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin, hóa chất vệ sinh môi trường chăn nuôi; lấy mẫu xét nghiệm, thẩm định chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Tổng kinh phí thực hiện đề án trong cả giai đoạn hơn 1.383 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 7,6 tỷ đồng, còn lại là đầu tư của người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh sẽ hạn chế được các bệnh truyền nhiễm, nâng cao tỷ lệ sống của vật nuôi, giảm chi phí thú y, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng giảm thiểu được nhiều chi phí cho công tác chống dịch, tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh so với trước đây.
Việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng thời, việc giảm sử dụng thuốc thú y tại các cơ sở chăn nuôi sẽ góp phần làm giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh trên động vật và trên người, hạn chế các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Thanh Tùng