Nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nếu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Ninh Thuận là 7,82% thì năm 2022, con số này là 5,93%, ước năm 2023 là 4,43%.
Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh được huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND huyện, trong năm 2023, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội được các cấp, các ngành trong huyện tập trung triển khai đầy đủ, kịp thời, các chính sách an sinh xã hội bảo đảm đúng đối tượng.
Huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động năm 2023. Trong năm 2023, gần 1.200 lao động được giới thiệu và giải quyết việc làm, vượt kế hoạch 31%. Ngoài ra, 9 lao động được tổ chức đưa sang nước ngoài làm việc.
Bên cạnh đó, huyện tổ chức 2 buổi hội nghị tư vấn viêc làm tại huyện, xã, với số lượng 280 lao động tham gia; mở 14 lớp đào tạo nghề với 352 lao động tham gia.
Bằng các giải pháp tổng thể, thiết thực, chăm lo đến các tiêu chí nghèo đa chiều, đặc biệt là vấn đề việc làm, y tế, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Thuận Bắc giảm 5,21%, vượt kế hoạch 0,72%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94%, đạt 97,9% kế hoạch. Huyện đặt mục tiêu năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,5%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97%.
Tại huyện Ninh Sơn, năm 2023 đánh dấu là năm có số hộ nghèo thấp nhất trong 3 năm qua với 4,19% (ước thực hiện) tổng số hộ trên toàn huyện. Con số này giảm 2,2% so với năm 2022 và 5,2% so với năm 2021. Hiện toàn huyện còn hơn 1.000 hộ nghèo và không còn hộ nghèo là đối tượng người có công với cách mạng.
Cũng rất quan tâm đến giải quyết thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong tiêu chí nghèo đa chiều, đặc biệt là việc làm, y tế và giáo dục, năm 2023, huyện Ninh Sơn đã giải quyết việc làm cho 5.770 lao động, trong đó có 62 lao động được tổ chức đưa ra nước ngoài làm việc. Hàng chục lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được mở, với hơn 700 người tham gia.
Về y tế, gần 58.500 thẻ BHYT được cấp cho người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Huyện đầu tư gần 14,5 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với hơn 18.500 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, hỗ trợ tiền điện cho 5.578 lượt hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, với số tiền trên 3,7 tỷ đồng.
Tỉnh Ninh Thuận hiện còn 11.015 hộ nghèo (chiếm 5,93% số hộ toàn tỉnh); hộ cận nghèo còn 10.087 hộ (chiếm 5,43% so số hộ toàn tỉnh). Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều mới giảm từ 1,5 – 2%, riêng huyện miền núi Bác Ái giảm ít nhất 4%.
Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được Ninh Thuận triển khai kịp thời, đầy đủ như hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mua bảo hiểm y tế; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ về giáo dục, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình…
Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, biện pháp “dài hơi” được nhiều tổ chức, đoàn thể hướng tới là duy trì, nhân rộng hoạt động “đỡ đầu” hằng tháng, hằng quý, giúp người nghèo có thêm điều kiện ăn ở, học tập.
Các sở, ban, ngành, địa phương tại Ninh Thuận xác định để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, xã hội, cần phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Thuận, để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian tới; đặc biệt là đẩy mạnh việc hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện tiêu chí nghèo đa chiều, các ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa các giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giảm hộ nghèo, cận nghèo theo mục tiêu của chương trình và đạt tiêu chí nghèo đa chiều.
Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, của chính quyền; tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững để thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, giúp cho hộ nghèo nhận thức được trách nhiệm thoát nghèo.