Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sau một thời gian đưa vào thực thi đã phát huy hiệu quả tích cực, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng cao, lập kỷ lục mới. Điều này được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để bứt tốc xuất khẩu.

EVFTA đang tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam. EVFTA giúp mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng nông-lâm-thủy sản chiến lược và mang lại lợi thế nhờ cắt giảm thuế quan, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, EVFTA giúp tạo cơ hội thu hút nguồn đầu tư từ nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp tại Việt Nam, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường khó tính tại EU nói riêng và thế giới nói chung.

Các FTA đang tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam

Với UKVFTA, một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 18% doanh nghiệp cho biết đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Việc tận dụng UKVFTA thể hiện ở tận dụng ưu đãi thuế quan cũng đạt 17,2% trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI, tỷ lệ 17,2% này không phải thấp so với các FTA khác ở năm đầu tiên, nhưng còn nhiều dư địa có thể đạt cao hơn. Nguyên nhân là thị trường Anh có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa mỗi năm lên tới gần 700 tỷ USD, trong khi thị phần của hàng Việt tại Anh mới ở mức 1%.

Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực, song các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ các doanh nghiệp thực sự hiểu và khai thác được cơ hội từ các FTA vẫn còn khá hạn chế. Mới đây, tại Tọa đàm Nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế,  Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, vẫn còn khoảng cách rất là lớn giữa nhu cầu của các doanh nghiệp và khả năng, mức độ đáp ứng của chính quyền các địa phương. Vì vậy, cần phải đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này.

“Mặc dù các chính quyền địa phương đã xây dựng các kế hoạch hỗ trợ cũng như triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng chúng tôi cho rằng phải tìm hiểu xem nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể ra sao, cần cung cấp thông tin về vấn đề gì, với từng nhóm doanh nghiệp theo quy mô, và theo ngành nghề… Trên cơ sở đó mới thiết kế và triển khai các chương trình hỗ trợ 1 cách hiệu quả”- ông Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin về những lợi ích các FTA mang lại với doanh nghiệp cần chuyên sâu, cụ thể hơn. Từ kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, doanh nghiệp rất mong muốn các cơ quan nhà nước triển khai hỗ trợ hội nhập một cách hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, ông Phạm Ngọc Thạch cho rằng, cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA. Mặt khác, cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của doanh nghiệp. Hơn nữa, cần tạo được một cơ chế kết nối phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội sẽ đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp được một cách tốt hơn.

Thực tế cho thấy, yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp là phải nỗ lực đổi mới chính mình, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ các FTA thế hệ mới. Các doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh.

Anh Duy, Bích Thủy, Nguyễn Duy