Cuộc gọi "tấn công" khách hàng
Những ngày qua, chị N.M.A (Trần Thái Tông, Hà Nội) rất bức xúc khi thường xuyên nhận được những cuộc gọi, tin nhắn mời vay tiền. Thậm chí, nhiều lần chị đã chặn các số lạ nhưng vẫn không hiệu quả.
"Có nhiều công ty tôi còn chưa nghe đến tên bao giờ. Họ nói rằng, tôi là khách hàng tiềm năng, lịch sử tín dụng tốt nên công ty có cơ chế cho vay vốn ưu đãi, dù tôi có giải thích rằng, mình không có nhu cầu, cũng không cần vay. Tuy nhiên, cứ sau 2 - 3 ngày, tôi lại nhận được số điện thoại của người khác từ công ty đó" - chị nói.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh H.M.H (Long Biên Hà Nội) cũng thường xuyên nhận được các cuộc gọi mời chào đầu tư, vay vốn, tham gia sàn tiền ảo, thị trường ngoại hối từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
"2 năm trước, tôi có mua trả góp điện thoại ở một công ty tài chính nhưng đã thanh toán, hết hợp đồng. Nhưng gần đây, nhiều số điện thoại lạ, tự xưng là nhân viên công ty này gọi tới, nhắn tin mời tôi vay tiền. Gọi một lần thì không sao chứ cứ vài hôm lại điện tới mời chào khiến tôi rất bực vì tốn thời gian tiếp chuyện" - anh kể.
Nói với Dân trí, anh L.M.H (Long An) cho hay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc của anh gặp nhiều khó khăn. Cho nên, ở thời điểm hiện tại, anh đang có nhu cầu vay vốn để xoay sở công việc.
"Đầu tháng 7, tôi nhận được một cuộc gọi lạ, người này tự xưng là nhân viên của một công ty tài chính mời tôi vay tiền với lãi suất thấp, chỉ từ 0,5%/tháng. Đặc biệt, thủ tục cho vay khá đơn giản, tôi chỉ cần cung cấp số chứng minh thư, tài khoản ngân hàng. Do lúc đó, tôi đang cần tiền gấp nên đã đồng ý với lời đề nghị trên" - anh nhớ lại.
Tuy nhiên, sau khi anh L.M.H làm xong các thủ tục thì phía bên kia lại yêu cầu anh đóng vào tài khoản trước 10% trên tổng số tiền muốn vay. Theo lý giải, số tiền này là để chứng minh khả năng tài chính của anh trong việc trả nợ hàng tháng.
"Ví dụ, tôi vay 40 triệu đồng thì phải đóng trước 4 triệu đồng, vay 400 triệu đồng thì đóng 40 triệu đồng, đóng xong thì mới được giải ngân. Nhưng nhân viên tư vấn lại yêu cầu tôi chuyển số tiền này vào tài khoản của kế toán công ty. Nếu thực hiện, tôi mới được cung cấp mật khẩu rút số tiền vay về tài khoản" - anh nói.
Nhận thấy dấu hiệu bất thường, anh H. nhất quyết không đồng ý với điều kiện trên nhưng khi anh gọi điện đòi hủy hợp đồng thì không thể liên hệ được với bên cho vay.
"Tôi có gọi điện nhiều lần thì bên đó không nhấc máy. Hơn nữa, tôi thấy trong hợp đồng ký kết rất sơ sài và có nhiều điều khoản vô lý. Tôi muốn hủy hồ sơ vay nhưng họ nói không cho hủy nên tôi rất hoang mang" - anh H. kể lại.
Dữ liệu được rao bán ồ ạt
Anh N.H, Giám đốc marketing của một công ty mỹ phẩm ở Hà Nội cho biết, hiện nay, việc mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra khá phổ biến. Chỉ cần bỏ ra 5 - 10 triệu đồng, các công ty có thể có đầy đủ các thông tin khách hàng với độ chuẩn xác lên đến 90%.
"Có 2 cách có thể lấy được thông tin cá nhân. Một là quét dữ liệu bằng phần mềm trên các ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook, nên dù khách đã ẩn số điện thoại, địa chỉ thì vẫn có thể truy ra. Hai là mua trực tiếp từ bên chuyên cung ứng dịch vụ" - anh H. tiết lộ.
Theo khảo sát, hiện nay, trên mạng có rất nhiều website, hội nhóm được lập ra để rao bán dữ liệu như data chất lượng, data khách hàng tiềm năng, mua bán trao đổi data khách hàng, data khách hàng năm 2021.
Trong vai người mua, phóng viên đã được giới thiệu về các gói, dịch vụ được quảng cáo là hoàn hảo từ A đến Z của các bên cung cấp.
Trong đó, gói dữ liệu cá nhân bao gồm số điện thoại, địa chỉ có giá từ 200 đến 500 đồng/số. Nếu khách mua từ 10.000 số trở lên sẽ có giá ưu đãi, chỉ còn 150 đồng/số. Theo quảng cáo, gói dữ liệu này có độ chuẩn xác đến 90% và đơn vị sẽ liên tục cập nhật thông tin nếu có.
Thậm chí, các đơn vị này còn sẵn sàng cung cấp 100 số đầu miễn phí để khách kiểm tra chất lượng và rà soát thông tin. Nếu ưng ý, người mua chỉ cần chuyển tiền là sau 5 - 10 phút, toàn bộ dữ liệu của khách hàng sẽ về tay.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, người dân cần hết sức cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, mời vay tiền. Bởi thực chất, người nghe không thể xác minh được người gọi từ đầu dây bên kia là ai, đến từ đâu, của cơ quan, tổ chức nào nên rủi ro ở đây là rất lớn.
"Hiện nay, có một vấn đề nhức nhối là thông tin của nhiều người dùng bị lọt ra ngoài. Đặc biệt là khi người dùng truy cập vào các ứng dụng không an toàn trên mạng nên mới xảy ra chuyện, thông tin về tên tuổi, địa chỉ, công việc bị phát tán. Do đó, mọi người phải hết sức lưu ý, nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ" - ông nhấn mạnh.
(Theo Dân Trí)
5 thủ đoạn cho vay lãi nặng người dân nên cảnh giác
Với thủ đoạn vay qua app, nếu khách vay trả tiền trả chậm một ngày sẽ bị phạt từ 2-5%, thậm chí bị gọi điện đe dọa, đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội.