XEM CLIP:

Nhiều tháng nay, người dân ở TP Hải Dương đã quen với hình ảnh cụ ông dáng người rắn rỏi, ăn mặc giản dị, tự chèo thuyền một mình vớt rác trên hồ Thanh Cương. 

Thoạt thấy, người ta tưởng ông là công nhân môi trường về hưu, nhớ nghề, muốn góp phần giúp đồng nghiệp làm sạch môi trường nước. Hỏi ra mới biết, ông là thượng tá công an hưu trí Phạm Văn Quảng. 

Khi còn đương chức, ông Quảng công tác tại Công an TP Hà Nội. Nghỉ hưu, ông rời Thủ đô về quê, sống cùng gia đình, họ tộc tại khu dân cư số 4, phường Thanh Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Thượng tá Phạm Văn Quảng ngày ngày thầm lặng với công việc ý nghĩa.

Năm nay, thượng tá Quảng 74 tuổi, vì yêu lao động nên ông giữ được sức khoẻ tốt, tinh thần lạc quan.

Nơi gia đình ông sinh sống có di tích lịch sử quốc gia Đền, Đình Sượt. Những năm gần đây, di tích này thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh về tham quan và chiêm bái. 

Cùng với sự phát triển của đô thị, khu vực hồ Thanh Cương, cạnh di tích thường xuyên bị ô nhiễm, nước chuyển màu, cá chết hàng loạt, rác thải dồn về gây ô nhiễm… 

Rác thải từ sinh hoạt của người dân xả xuống hồ Thanh Cương gây ô nhiễm cho nguồn nước.

Sợ tình trạng ô nhiễm ngày 1 nghiêm trọng, giảm đi vẻ đẹp cảnh quan cũng như tác động xấu đến sức khoẻ người dân, thượng tá Quảng đã dành giụm tiền lương mua 1 chiếc thuyền và bộ dụng cụ vớt rác. Sau khi có thuyền, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông đều chèo ra hồ lặng lẽ vớt rác, rồi dùng xe chở rác ra khu vực tập kết để công nhân môi trường đô thị xử lý. Qua việc làm này, ông nói mình hiểu hơn, trân quý hơn sự vất vả, cực nhọc của các công nhân môi trường, đô thị.

Thượng tá Phạm Văn Quảng không quản ngại nắng mưa, vớt hết lớp rác làm bẩn hồ.

Ông Quảng tâm sự: “Ngày trẻ tôi làm công an thì việc đi bắt tội phạm như 1 trách nhiệm thiêng liêng để bảo vệ đời sống bình yên cho nhân dân.

Nay về hưu, thấy rác nó “hoành hành” làm xấu mặt hồ, gây mùi đe doạ sức khoẻ nhân dân, tôi cũng muốn góp phần “bắt” nó để quê mình thêm trong lành, xanh đẹp”.

Thu Hằng - Phạm Dựng