Mỗi năm cứ gần Tết, câu hỏi của vợ khiến tôi sợ nhất là Thưởng Tết của anh năm nay bao nhiêu?”, và cô ấy luôn buông ra hai chữ “Biết ngay!” khi nghe câu trả lời. Nhìn vẻ mặt ngán ngẩm và giọng nói đầy vẻ chê bai của vợ, tôi cảm thấy thể diện của người đàn ông bị tổn thương nặng nề.

Tôi làm ở công ty của người anh họ từ khi ra trường. Công ty nhỏ, thu nhập cũng không cao nhưng được cái ổn định, từ xưa đến giờ chưa từng nợ lương. Tôi không làm ở bộ phận kinh doanh nên không có hoa hồng tính trên doanh số, mỗi tháng chỉ được 14-15 triệu đồng. Các loại tiền thưởng ngày lễ chỉ mang tính động viên khích lệ, thường chỉ 500 nghìn đồng, thưởng Tết cũng chỉ tầm 4-5 triệu đồng.

anh 1 thuong tet.png
Mỗi năm cứ gần Tết, câu hỏi của vợ khiến tôi sợ nhất là “Thưởng Tết của anh năm nay bao nhiêu?”. (Ảnh: Smartparenting)

Lãnh đạo công ty từng nói thẳng, muốn thưởng Tết to thì lương hàng tháng cắt đi vài triệu đồng, còn nếu muốn nhận “tiền tươi” thì chấp nhận thưởng Tết chỉ có vậy. Đương nhiên là người lao động, nhận tiền ngay vẫn thích hơn bị treo lại đến cuối năm. Tuy nhiên, đến Tết khi mọi người hồ hởi khoe thưởng thì chúng tôi cũng hơi buồn, riêng tôi thì còn ngại với vợ nữa.

Vợ tôi có thu nhập hàng tháng gấp 3 lần tôi, tiền thưởng Tết năm nào ít thì 30-40 triệu đồng, nhiều có khi gần 100 triệu. Cô ấy cậy làm ra nhiều tiền nên hay can thiệp vào sự nghiệp của chồng, suốt ngày hối thúc tôi bỏ công ty của anh họ đi làm chỗ khác, hoặc học thêm cái gì đó để tìm cơ hội mới.

Tôi không có hứng thú với việc học hành khi đã ở tuổi U40, hơn nữa đã gắn bó nhiều năm với công ty nên không muốn thay đổi. Vợ không hiểu, luôn tỏ thái độ coi thường chồng, và đối xử thiên vị rõ rệt giữa hai bên nội ngoại.

Mỗi tháng vài lần, vợ tôi lại mua đồ ăn ngon gửi sang nhà ngoại. Nếu vợ đồng thời mua cho cả hai bên thì chẳng nói làm gì, nhưng thực sự vợ chỉ mua cho ông bà ngoại thôi. Tôi góp ý thì vợ lý luận là hằng ngày ở với bố mẹ chồng, ông bà muốn ăn gì thì cô ấy đã mua cho rồi, tôi cần gì so bì như thế.

Nhưng đâu chỉ đồ ăn, váy áo mua cho bà ngoại cũng sang hơn. Lý do vợ đưa ra là tại phong cách của bà ngoại trẻ trung, điệu đà, còn bà nội giản dị chỉ thích những mẫu già dặn không có bán ở các hãng thời trang. Nói chung là kiểu gì cô ấy cũng nói được.

Đến quà Tết biếu bố mẹ hai bên cô ấy cũng thiên vị rõ rệt đến mức tôi thấy nóng mặt. Quà của nhà ngoại đắt tiền hơn nhà nội ít nhất là gấp đôi. Tôi góp ý thì vợ cáu, bảo ông nội không uống rượu thì mua tặng rượu ngoại làm gì, quà cốt phù hợp, cần gì so giá tiền.

Vợ còn lấy cớ cô ấy đã mua sắm mọi thứ cho cái Tết để cả ông bà nội và vợ chồng con cái đều không thiếu thốn gì. Cô ấy không hiểu, sắm Tết là chuyện khác, quà Tết là khác, không nên thiên vị quá đáng, cho thấy cô ấy đối xử bên nặng bên nhẹ, không tôn trọng nhà nội.

Có lẽ vì đuối lý nên vợ tôi trở nên cùn. Cô ấy nói ngang phè là tôi có giỏi thì bỏ tiền ra mà mua cho nó công bằng. Chuyện nọ xọ chuyện kia, vợ lại ca bài muôn thuở là chồng không có chí tiến thủ, bảo là bao nhiêu năm đi làm lương hơn chục triệu, thưởng Tết lúc nào cũng chỉ mang tính tượng trưng, vậy mà không lo phấn đấu kiếm thêm tiền, chỉ biết so bì tị nạnh với nhà ngoại.

Gần Tết mà cãi nhau chuyện tiền bạc, quà cáp, tôi nản lắm. Vợ bảo tôi so bì, nhưng chẳng phải cô ấy cũng đem so bì chồng mình với người khác sao? Thu nhập hai đứa cộng lại cũng đã tầm 60 triệu đồng mỗi tháng, có ít đâu mà cô ấy cứ phải căng thẳng như thế.

Thể diện của tôi là chuyện nhỏ, tôi sợ nhất là bố mẹ mình cảm thấy không được tôn trọng. Thấy vợ chồng tôi cãi nhau, bố mẹ mắng tôi và bênh con dâu, chắc vì muốn cho êm cửa êm nhà chứ trong lòng các cụ chắc cũng buồn lắm. Tôi phải làm sao để khuyên vợ biết nghĩ hơn đây?

Theo VTC