- Tranh thủ dịp người dân đổ về dự Lễ hội cầu Ngư đầu năm, quận đoàn Thanh Khê (Đà Nẵng) đã trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật để thuyết minh về chủ quyền Hoàng Sa.
7h sáng, anh Lê Văn Cường, Phó bí thư quận đoàn Thanh Khê bận rộn đón từng đoàn người vào tham quan gian trưng bày bên đường Nguyễn Tất Thành, TP. Đà Nẵng. Đây là ngày thứ 3 quận đoàn phối hợp Bảo tàng Đà Nẵng trưng bày tư liệu chủ quyền nhân dịp lễ hội cầu Ngư.
Gian trưng bày gồm 15 bản đồ, tư liệu về Hoàng Sa qua các thời kỳ. Các tư liệu ở đây được lấy từ Bảo tàng Đà Nẵng, ngoài ra còn có các tập san của học sinh tiểu học trên địa bàn viết về chủ quyền biển đảo.
Các em nhỏ say mê tìm hiểu các tư liệu về chủ quyền trưng bày ở Lễ hội cầu Ngư tại Đà Nẵng. |
Lê Thị Yến Nhi (lớp 5, Trường Tiểu học Dũng sỹ Thanh Khê) cùng nhóm bạn say sưa tìm hiểu tư liệu về Mai Kim Quy, người đầu tiên được sinh ra trên đảo Hoàng Sa gần 1 thế kỷ trước.
Yến Nhi cho biết đã từng được cô giáo truyền đạt kiến thức về chủ quyền ở trường, nhưng bây giờ được xem các tư liệu, bản đồ em mới nắm rõ thêm về Hoàng Sa, Trường Sa.
“Đây là giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy ngày 7/12/1939 tại đảo Hoàng Sa, là con gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng trên đảo Hoàng Sa. Các em cần biết từ trước đó rất lâu, người Việt chúng ta đã có mặt ở Hoàng Sa.
"Hoàng Sa là phần lãnh thổ của Tổ quốc ta hiện đang bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm”, anh Trần Văn Chuẩn, nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng thuyết minh cho các bạn nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Giảng (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), một người dân đến xem cũng cho rằng sự có mặt của gian trưng bày này rất ý nghĩa.
“Lễ hội cầu Ngư để cầu mưa thuận gió hòa, bình an trên biển. Gian trưng bày này có ý nghĩa tuyên truyền nhận thức, trách nhiệm về chủ quyền biển đảo, nhất là đối với thế hệ trẻ”, ông Giảng nhấn mạnh.
Trưng bày tư liệu chủ quyền sẽ được quận đoàn Thanh Khê duy trì đến hết Lễ hội cầu Ngư (ngày 23/2).
Cao Thái