Theo Financial Times, từ 14 - 25/8, không quân Thái Lan và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên, sau một quãng thời gian dài gián đoạn vì Covid-19. Ở cuộc tập trận mang tên "Falcon Strike" này, tiêm kích được Thái Lan lựa chọn là một cái tên khá lạ lẫm, JAS-39 Gripen của Thụy Điển, thay vì dòng F-16 của Mỹ.
JAS-39 Gripen (Điểu Sư) là tiêm kích được tập đoàn Saab phối hợp phát triển cùng với Ericsson và Volvo, có lần bay thử đầu tiên vào năm 1988. Tới năm 2005, JAS-39 chính thức được đưa vào biên chế của không quân Thụy Điển. Tiêm kích này được coi là một nỗ lực của ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Điển, bởi quốc gia Bắc Âu sẽ không cần mua máy bay chiến đấu của Mỹ như F-16 hay F-18.
JAS-39 là tiêm kích đa nhiệm thế hệ thứ 4, dài 14,1m, sải cánh 8,4m, có trọng lượng 6.800kg, tải trọng cất cánh tối đa 14.000kg. Phiên bản đang được không quân Thụy Điển sử dụng là JAS-39E, sử dụng động cơ General Electric F414, tiết kiệm nhiên liệu hơn 40% so với động cơ Volvo-Flygmotor RM12 nguyên bản, mang lại tốc độ Mach 2.
Tiêm kích của Thụy Điển được trang bị radar mạng pha chủ động (AESA) tên Raven, hoạt động trên băng tần X, có thể phát chùm tia điện từ theo nhiều hướng khác nhau. Đặc biệt, góc nhìn của radar khá lớn so với trục ngang của máy bay, nhờ đó, phi công có thể điều khiển vũ khí tiến công ngược về phía sau.
Về mặt hỏa lực, nhờ sở hữu 10 giá treo vũ khí, Điểu Sư có thể mang nhiều loại tên lửa không đối không, bom và các vũ khí tiến công mặt đất khác. Những vũ khí cơ bản trên JAS-39 bao gồm pháo tự động BK-27, tên lửa AIM-9 Sidewinder, tên lửa chống hạm RBS-15 Mark 2, bom chùm Bombkapsel 90.
Một trong những ưu điểm nổi bật khác của JAS-39 là chi phí rẻ, dễ bảo dưỡng và duy trì hoạt động. Tiêm kích của Thụy Điển chỉ tiêu tốn 4.700 USD cho mỗi giờ bay, ít hơn rất nhiều so với F-16, trong khi tuổi thọ khung lên tới 10.000 giờ. JAS-39 cũng chỉ cần một đường băng dài 800m để cất cánh, tương thích với nhiều loại tàu sân bay.
Được đánh giá là một trong những tiêm kích phi tàng hình tốt nhất thế giới, nhưng JAS-39 lại không thực sự quá phổ biến, nguyên nhân là do ảnh hưởng chính trị và kinh tế. Các đối thủ cạnh tranh của Điểu Sư như Dassault Rafale, F-16 hay Eurofighter Typhoon đều kèm với sự hỗ trợ ngoại giao của các cường quốc tương ứng là Pháp, Mỹ, hay Anh. Đây là một tiêu chí vô cùng quan trọng để tìm kiếm khách hàng tiềm năng, điều mà Thụy Điển không thể so sánh được.
Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng không đủ năng lực tài chính để cạnh tranh các gói đấu thầu của JAS-39. Ví dụ điển hình là khi Ukraine công bố kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân trị giá 7,5 tỷ USD năm 2020, Pháp sẵn sàng đảm bảo khoản vay lên tới 85% cho Kiev để mua Rafale. Những ưu đãi kiểu này là thứ mà JAS-39 không có khả năng cung cấp.
Hiện tại, JAS-39 đang cạnh tranh với F-16 cho chương trình máy bay chiến đấu đa năng (MRF) của không quân Philippines. Với việc Manila là một đối tác lâu năm của Mỹ, khả năng cao JAS-39 vẫn sẽ thất bại trước F-16, cho dù năng lực tác chiến của tiêm kích Thụy Điển là không hề kém.
Việt Dũng