Tiền Giang có đường bờ biển 32km nhưng là nơi có nhiều cửa sông. Nguồn lợi thủy sản ở Tiền Giang phong phú. Các địa phương có nghề đánh bắt hải sản truyền thống như Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, thành phố Mỹ Tho... với khoảng 1.500 phương tiện đánh bắt với các hình thức như lưới kéo, lưới vây kết hợp ánh sáng, lưới rê, dịch vụ hậu cần nghề cá giải quyết cho hàng vạn lao động tại địa phương.

Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản tại Tiền Giang cũng bị ảnh hưởng do các yếu tố thời tiết, thủy văn, cường độ khai thác ngày càng tăng. Hiệu quả từ khai thác thủy sản giảm đáng kể, nhiều phương tiện khai thác hải sản phải nằm bờ, ngưng hoạt động. Từ đó, người dân miền biển trong tỉnh cũng gặp khó khăn trong kinh tế, công việc.

Trước thực trạng trên, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, giữ tốc độ phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản để giải quyết công ăn việc làm cho ngư dân. Theo đó, tỉnh tổ chức lại nghề khai thác hải sản trên biển theo hướng các nhóm đội, liên kết chặt chẽ với tàu hậu cần tăng thời gian bám biển, giảm chi phí và hỗ trợ khi gặp sự cố trên biển.

Năm 2023, Tiền Giang triển khai đề án Chuyển đổi nghề, ngư cụ cấm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới phương tiện hoặc hoán cải phương tiện, trang thiết bị máy móc hiện đại, công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Việc đánh bắt xa bờ giúp bảo vệ nguồn lợi biển, môi trường. Chuyển đổi các nghề đánh cá dùng lưới rê, lưới kéo sang sử dụng các loại ngư cụ ít ảnh hưởng hơn. Chuyển đổi khai thác tận diệt sang hướng nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.  Từ đó, hướng tới mục tiêu hạn chế thấp nhất những ngành nghề khai thác ven bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản.

tien giang 1.png
Hoạt động nuôi ngao kết hợp với du lịch trải nghiệm. Ảnh: Ngọc Thảo.

Các phương tiện khai thác thủy sản đã được trang bị các thiết bị hiện đại như Máy dò ngang SONAR giúp dò tìm, phát hiện đàn cá xung quanh tàu để khai thác đúng vị trí và đạt hiệu quả cao.

Trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang có kế hoạch khai thác trên 124.000 tấn hải sản các loại phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Tỉnh đã hoàn thiện lắp đặt hệ thống giám sát hành trình tàu cá, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá qua hệ thống VMS. Các tàu khai thác cá phải ghi nhật ký, cấp giấy chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định về chống khai thác IUU, tuyệt đối không đưa tàu ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.

Từ nay tới năm 2025, Tiền Giang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, ngư cụ cấm khai thác hải sản vùng ven bờ với mục tiêu cụ thể giảm số lượng tàu khai thác ven bờ trên 20%. Tỉnh tiến tới giảm dần, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác kiểu tận diệt như: Sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản.

Ngoài ra, Tiền Giang cũng tận dụng tiềm năng nuôi trồng thủy sản tại vùng ven bờ thay thế cho hoạt động khai thác thủy hải sản gần bờ.  Tại các khu vực cửa Soài Rạp (khu vực Vàm Láng, huyện Gò Công Đông), Cửa Tiểu và Cửa Đại (sông Tiền) việc nuôi trồng thủy sản vô cùng phát triển. Với hệ sinh thái rừng ngập mặn là môi trường lý tưởng để loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sinh sôi, phát triển mạnh. Hiện nay, tại huyện Gò Công Đông người dân nuôi ngao kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Ngoài ra, Tiền Giang cũng phát triển nuôi tôm từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao đời sống người dân. Theo thống kê, diện tích thả nuôi tôm khu vực ven biển của tỉnh hiện nay đạt khoảng 4.895 ha, trong đó diện tích thả nuôi thâm canh là 3.104 ha, sản lượng ước khoảng 19.850 tấn/năm.

Tỉnh Tiền Giang đã và đang thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư đầu tư phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững. 

Hồng Vân