Chiều ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Chú ý tới các yếu tố nâng cao năng lực hấp thụ vốn nền kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận 5 năm qua (giai đoạn 2016 – 2020) đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và có nhiều dấu ấn nổi bật và tích cực.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tập trung đến việc phát triển của thị trường vốn do năng lực đang hạn chế, khả năng huy động vốn hạn chế. Việc hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng gặp trở ngại, tín dụng tăng chậm, có nguy cơ “chảy” vào những lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản.

Vì thế, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp cải thiện thể chế, luật pháp, ưu đãi... để mở rộng năng lực thị trường vốn. Hiện Bộ Tài chính đang tính toán phát hành thêm công trái thông qua người dân như ngày xưa chứ không phải thông qua “kênh” bán buôn các tổ chức tín dụng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện tiền trong dân còn khá nhiều, nếu huy động thông qua các ngân hàng sẽ vướng quy định trần cho vay trung, dài hạn.

Ông phân tích, ngân hàng huy động 100 đồng thì chỉ được cho vay ra 4 đồng, nên các ngân hàng muốn cho vay nhiều hơn cũng khó cho vay được. Chưa kể, còn vấn đề liên quan tới dự trữ bắt buộc.

Ngoài ra, kế hoạch cơ cấu kinh tế 5 năm tới cũng cần chú ý tới các yếu tố nâng cao năng lực hấp thụ vốn nền kinh tế. Trong trường hợp cấp bách phải điều chỉnh chính sách tài khoá, tiền tệ để phục hồi, tái thiết kinh tế, song vấn đề là có tiêu được tiền hay không.

“Phải có giải pháp để tiền đưa vào chỗ nào, kích thích vào đâu để tiền rót vào mà tiêu được. Nhất là phân bổ, giải ngân đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư, tăng năng lực quản trị các dự án đầu tư, hay giải quyết các dự án treo, chậm tiến độ”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng quan tâm đến mục tiêu phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội tập trung vào những ngành, sản phẩm có tính cạnh tranh, lợi thế.

Vì vậy, Chính phủ cần bổ sung thêm nội dung “huy động” và quan tâm đến việc huy động nguồn lực trong nước, "phải có huy động mới đến phân bổ và sử dụng nguồn lực”.

Theo bà Thanh, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhưng có thể nói nguồn lực trong nhân dân còn tương đối nhiều mà chưa huy động được. Vì vậy, cần phải huy động nguồn lực trong nước.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiền trong dân còn rất lớn mà chúng ta chưa huy động được. Nhưng làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, chứ không phải tập trung vào nhà cửa, đất đai hay vàng, bạc, đô la, tích trữ gửi tiết kiệm… là vấn đề rất lớn.

“Đây là những vấn đề chúng tôi rất trăn trở”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, các chủ trương của Đảng, Nhà nước rất rõ, nhưng việc thực hiện đang còn có một số vấn đề nhất định.

Vì thế, thời gian tới phải làm sao để khơi thông được các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực để huy động các nguồn lực trong dân đang còn rất lớn, bên cạnh sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài, vốn doanh nghiệp nhà nước…

Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP
Theo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hằng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo nợ công khoảng 55% GDP và trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo nợ Chính phủ khoảng 45% GDP.
Đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.
Chính phủ cũng đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP.
Đáng chú ý, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Đến năm 2025, tối thiểu 5 - 10 trong số các sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, góp phần cải thiện vị thế của ngành trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% cũng nằm trong chỉ tiêu chung của kế hoạch.

Thu Hằng

Chủ tịch Quốc hội gợi ý giải pháp ứng phó với làn sóng bỏ phố về quê

Chủ tịch Quốc hội gợi ý giải pháp ứng phó với làn sóng bỏ phố về quê

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, có giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn. Cụ thể như hỗ trợ cho doanh nghiệp thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc.