Theo cách gọi trong dân gian, xứ Đoài là vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long, bao gồm tỉnh Sơn Tây và một phần của tỉnh Phú Thọ xưa. Nhưng ngày nay, cái tên xứ Đoài mặc định là vùng đất Sơn Tây xưa.
Bằng chứng khảo cổ học tìm thấy quanh khu vực Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất đã chứng minh, người Mường ở xứ Đoài là hậu duệ của Hùng Vương. Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, xứ Đoài xưa là nơi hợp dung văn hóa giữa người Mường cổ cư trú ở vùng núi ngay cạnh người Việt cổ sống ở đồng bằng nên đã sinh ra tiếng Việt cổ - gốc gác của tiếng Việt ngày nay. Xa xưa, người Mường gốc xứ Đoài sống quanh chân núi Ba Vì. Theo thời gian, người Mường từ Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa di cư đến đây thành từng lớp, tạo thành cộng đồng Mường đông đúc.
Hiện nay, ở huyện Ba Vì có 6 xã đông bà con dân tộc Mường gồm Yên Bài, Minh Quang, Ba Trại, Vân Hòa, Khánh Thượng, Tản Lĩnh. Tại xã Khánh Thượng, người Mường từ Hòa Bình xuống đây cư trú từ 400 năm trước. Tại xã Minh Quang có xóm Mường từ Thanh Hóa ra sống ở đây 10 đời, có xóm từ Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) xuống đây sinh sống đã 7 đời, lại có xóm Mường mới cư trú hơn 100 năm.
Không chỉ ở Ba Vì có dân tộc Mường mà huyện Thạch Thất cũng có. Năm 1998, các nhà khảo cổ học đã khai quật khu vực quanh hồ Đồng Mô phát hiện rất nhiều mộ Mường từ đời Lý, Trần, chứng tỏ khu vực này từng là nơi cư trú của người Mường. Năm 2008, sau khi Quốc hội ra Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã hợp nhất vào hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai của Hà Nội nên Thạch Thất trở thành huyện có số người Mường đông thứ hai ở Hà Nội sau Ba Vì.
Trong văn hóa tâm linh của người Mường, âm thanh cồng chiêng luôn gắn liền với phong tục, tập quán, lễ nghi làm nên bản sắc văn hóa rất riêng của dân tộc này.
Tại Lễ hội chiêng Mường năm 2016, tỉnh Hòa Bình đã huy động 2.000 nghệ nhân tham gia trình tấu với chủ đề “Vật báu hồn thiêng”. Buổi trình diễn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam.
Trong một cuộc tổng kiểm kê tài sản văn hóa mới đây của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho thấy, toàn tỉnh hiện vẫn còn lưu giữ khoảng hơn 10 nghìn chiếc chiêng, chủ yếu ở 4 vùng Mường cổ và các huyện Đà Bắc, Lương Sơn, thành phố Hòa Bình. Vào các dịp lễ hội, các gia đình người Mường đã tự mua chiêng để chơi. Có không ít người dân đang sở hữu số lượng lớn chiêng Mường cũng như nắm giữ giá trị di sản, như: Nghệ nhân Bùi Tiến Xô ở xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi); các Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, Bùi Thanh Bình ở phường Thái Bình (TP. Hoà Bình)…
Để bảo tồn nét đẹp văn hóa của ông cha, nhiều bản làng người Mường, chủ động tổ chức các lớp dạy nghệ thuật cồng chiêng và văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ bên cạnh hàng trăm CLB cồng chiêng vẫn được người Mường duy trì sinh hoạt thường niên. Nhiều CLB văn hóa, văn nghệ dân gian được hình thành tại các vùng Mường: Bi - Thang - Vàng - Động. Những lớp học và CLB đều được hình thành từ sự đam mê, yêu thích của người dân và sự ủng hộ của chính quyền địa phương.
Để bảo tồn giá trị di sản cồng chiêng Mường, khuyến khích các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia giữ gìn, phát huy di sản âm nhạc dân gian, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Hòa Bình triển khai Đề án” Bảo tồn chiêng Mường”. Theo đó, đội văn nghệ của mỗi xóm được hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi năm. Không dừng lại ở đó, tỉnh Hòa Bình đang xúc tiến xây dựng hồ sơ đề nghị xem xét, công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cuộc sống đã đổi thay. Trong xu thế hội nhập, nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật du nhập vào khắp ngóc ngách cuộc sống, tuy nhiên, trên khắp các bản mường, tiếng chiêng vẫn luôn ngân vang hòa nhịp với những đổi, sung túc thay từng ngày.
Văn Hùng, Ngọc Quý, Lê Thị Na