Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Mục tiêu của Nghị quyết là tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

minhhoa.jpg
Ảnh minh hoạ

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) khẳng định việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 là cấp thiết và rất đúng thời điểm.

Dẫn ví dụ cụ thể, ông Nam phân tích về việc đẩy mạnh đầu tư công là nhu cầu cấp bách về hạ tầng cơ sở cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, tạo nên sức cầu lớn hơn cho thị trường trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ.

Theo ông Tô Hoài Nam, đây cũng chính là giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, qua đó tạo nên yếu tố phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Dưới góc độ tiếp cận của các DNNVV, ông Tô Hoài Nam cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với một số bộ, ngành nghiên cứu rà soát, sửa đổi ngay các quy định liên quan để đơn giản hóa các thủ tục cho vay, trong đó có định hướng đơn giản hóa một số điều kiện, tiêu chí nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là nội dung được các DNNVV rất quan tâm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và thành công, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp cần được nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.

Hiện nay do chuẩn tín dụng rất cao, nhiều DNNVV khó tiếp cận vốn. Trong đó, về cơ bản có 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm các doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện tổ chức tín dụng đưa ra, đây là nhóm chiếm tỉ lệ rất cao. Thứ hai là nhóm có giá trị tài sản bảo đảm luôn bị đánh giá thấp hơn giá trị thực tế và thứ ba là nhóm ngân hàng thương mại không đánh giá được “khả thi” hay “không khả thi” trong phương án kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong Nghị quyết cũng đã thể hiện định hướng thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sử dụng các quỹ hỗ trợ, quỹ tín dụng ở địa phương… Vì thế, nhiều chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá việc Chính phủ chỉ đạo chính sách tiền tệ phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa là rất đúng đắn, cấp thiết giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi. Khi đó, việc giảm lãi suất hay nới chỉ tiêu tín dụng của các ngân hàng mới thực sự phát huy hiệu quả trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, trong Nghị quyết còn nhiều quan điểm, chỉ đạo quyết liệt trên nhiều lĩnh vực khác như về khai thác các FTA, về tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, về giảm mức phí công đoàn,… nên rất cần được các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, đánh giá một cách thấu đáo để doanh nghiệp và người dân hiểu được tính đúng đắn và cấp thiết của Nghị quyết.

Đồng thời, Nghị quyết cũng thể hiện những nỗ lực mạnh mẽ để củng cố những gì đã đạt trong nửa nhiệm kỳ qua và tiếp tục tạo nên môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi hơn nữa để phát triển.

Hy vọng là các bộ, ngành, địa phương khi triển khai nhiệm vụ theo Nghị quyết sẽ cụ thể hóa các chủ chương, quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ giải pháp để làm cho Nghị quyết phong phú hơn, dễ thực thi hơn, từ đó đưa Nghị quyết thực sự trở thành sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp.

Phạm Thiện và nhóm PV, BTV