- Nghị quyết 35 dự kiến chỉ sửa về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương hôm nay (6/6) đọc tờ trình về sửa đổi, bổ sung nghị quyết của QH lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

{keywords}

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương. Ảnh: Minh Thăng

Theo đó, với việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm từ năm thứ hai của nhiệm kỳ, một số ý kiến cho rằng "như vậy là nhiều".

UB Thường vụ QH cho rằng thời gian giữa các lần lấy phiếu quá ngắn, một năm là chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Do đó, UB Thường vụ đề nghị lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3).

"Ưu điểm của phương án này là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ; đồng thời tạo được cơ chế giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác; tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại hội nghị TƯ 9 (khóa 11)", bà Nguyễn Thị Nương nói.

Riêng đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ QH khóa 13 và nhiệm kỳ HĐND 2011-2016, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tổ chức vào kỳ họp cuối năm nay.

Nhiều "tín nhiệm thấp" có thể từ chức

Về cơ bản, các nội dung khác được giữ nguyên như đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ.

"Nếu chỉ quy định 2 mức là 'tín nhiệm' và 'không tín nhiệm' thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm khi xem xét trách nhiệm cán bộ", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương nói.

Đối với người được lấy phiếu, khi có quá nửa tổng số ĐBQH, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến 2/3 tổng số ĐBQH, HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo.

Người có từ 2/3 tổng số ĐBQH, HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi bên hành lang QH:

- Giảm tần suất lấy phiếu tín nhiệm có tạo ra nấc thang an toàn cho người được lấy phiếu, khiến việc lấy phiếu trở nên hình thức?

Đây là lần đầu tiên làm, phải có tổng kết rút kinh nghiệm xem điểm gì tốt, không tốt, mặt nào còn hạn chế... Qua nhiều hội nghị, hội thảo tổng kết, do có nhiều ý kiến về phiếu, thời gian, đối tượng... nên phải báo cáo QH xem xét sửa đổi cách làm cho phù hợp.

Tôi tin rằng sửa đổi xong tổ chức lần sau sẽ tốt hơn. Chính lấy phiếu hàng năm mới dễ bị hình thức. Làm giữa nhiệm kỳ để người được lấy phiếu có thời gian khắc phục, sửa chữa.

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ để tham khảo chung chung thôi sao? Có thể bắt buộc người được lấy phiếu sử dụng kết quả này để việc lấy phiếu có tác dụng thực chất?

Tôi thấy không có gì bằng việc một người được cả QH, HĐND bỏ phiếu đánh giá họ thực hiện chức năng nhiệm vụ như thế nào. Tự bản thân họ phải thấy hạn chế của mình để sửa.

Cũng không có đánh giá nào tốt bằng nhân dân. Lấy phiếu tín nhiệm thấp hay cao chính là thể hiện sự đánh giá đó. Họ sửa chữa tốt thì lĩnh vực của họ sẽ tốt lên, không thể không tốt mà cứ nói là tốt được.

Chung Hoàng