Đảm bảo mục tiêu kép
Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1079/CĐ-TTg gửi 10 Bộ trưởng các bộ yêu cầu rà soát, sửa đổi ngay các quy định đang gây khó khăn, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ. Đồng thời, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật, nghị định, thông tư còn lại.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Tổ Công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. Nhiệm vụ trọng tâm của Tổ Công tác đặc biệt là rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương. Giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Tổ Công tác đặc biệt giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Tổ thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển. Hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam...
Để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Đảm bảo sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 |
Qua rà soát, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cụ thể những vướng mắc, khó khăn do các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế. Các kiến nghị tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Việc sửa đổi, bổ sung những vướng mắc nêu trên liên quan đến 79 luật, 03 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định, 20 quyết định của Thủ tướng và 135 thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ. Qua tổng hợp, rà soát, Văn phòng Chính phủ thấy cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ.
Mới đây, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.
Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
Tăng cường nhiều giải pháp
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, trong Chương trình của Chính phủ năm 2021, Bộ Công Thương được giao xây dựng, trình 8 nghị định; trong đó, có 3 nghị định thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 của Bộ Công Thương và 4 nghị định ngoài chương trình này.
Đến nay, Bộ Công Thương đã trình Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; có 2 nghị định do Cục Hóa chất chủ trì xây dựng. Đối với các văn bản còn lại, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo để đảm bảo trình Chính phủ theo đúng tiến độ được giao.
Đặc biệt, việc rà soát các luật, nghị định, thông tư do Bộ Công Thương chủ trì để đề xuất sửa đổi, ban hành văn bản mới thay thế và rà soát nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước tác động mạnh mẽ, dài hạn của dịch Covid-19 đã được Bộ đẩy mạnh.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dầu khí và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để phục vụ cho việc xây dựng luật về hai lĩnh vực này.
Đồng thời, Bộ cũng đề xuất lộ trình hoàn thiện pháp luật giai đoạn 2021-2025 đối với các lĩnh vực: thương mại, dầu khí, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, điện lực, hóa chất, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử; quản lý, phát triển cụm công nghiệp; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa…
Theo Vụ Pháp chế, trong các tháng cuối năm 2021, một trong các nhóm nhiệm vụ ưu tiên thực hiện là tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.
Vì vậy, Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 và Quyết định số 1371/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa các quy định và cắt giảm chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó, Vụ Pháp chế kiểm soát chặt việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật. Đồng thời, ngăn chặn phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Bài ảnh: Bảo Anh