Nạn móc túi diễn ra nhan nhản ở các bến xe buýt đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia lưu thông bằng phương tiện này. Trên một số diễn đàn, các cư dân mạng đã tiết lộ một số “chiêu” chống lại hành vi trắng trợn này.

TIN BÀI KHÁC
 
Cẩn tắc vô áy náy

Các tuyến xe buýt thủ đô quá tải, khách đi xe không những phải chịu cảnh chen lấn xô đẩy, chèn ép nhau mà còn lo đối phó với nạn móc túi. Nạn nhân chủ yếu là giới sinh viên, công chức, người lao động… di chuyển khá thường xuyên trên xe buýt. Những người này cho hay, không ít lần họ bị đạo chích “hỏi thăm” hay chứng kiến người khác bị móc túi mà không dám lên tiếng. Người may mắn phát hiện kịp thì không bị mất của, người không may thì chỉ biết than thở “của đi thay người”.
 
Phụ nữ thường là đối tượng bọn chúng "hướng tới" (Ảnh: VTC News)

Trên diễn đàn Xebushanoi.com, thành viên có nick Dongsongbang chia sẻ những kinh nghiệm nhận diện kẻ móc túi trên xe buýt: "Tôi đi xe 32 nhiều nên có một số kinh nghiệm phát hiện móc túi. Với những kẻ móc túi trên xe buýt, chúng thường đứng ở cửa xe, ở các bến xe bus đông người, tay cầm áo để che mắt hành vi móc túi. Mỗi khi khách xuống thường hay chen lấn khách xuống, chúng thường liếc mắt vào các túi quần của hành khách".

"Thậm chí, những tên lưu manh này "hoạt động" theo từng nhóm khoảng 2, 3 người, ăn vận rất chỉn chu. Chúng còn ngụy trang bằng cách đeo túi laptop, thắt cà vạt, diện complet… rồi lợi dụng lúc người bị hại không cảnh giác để ra tay".

Thành viên này cũng đưa ra các kinh nghiệm để giữ tài sản khi tham gia phương tiện công cộng này: "Để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình thì các bạn phải cẩn thận. Ví hay điện thoại thì cầm ở tay, chứ đừng để ở túi, nếu không tài sản rất dễ không cánh mà bay".

Hầu hết người bị móc túi đều do chủ quan, lơ đễnh và nạn nhân đa phần là các bạn nữ. Trên diễn đàn này, bạn đọc có nick Chipcon cũng chia sẻ: "Bọn móc túi thường ra tay khi mình chen lên cửa xe vì lúc đó tay chân hành khách đều cố bám vào xe, không thể giữ được đồ đạc. Mình thấy những người bị mất cắp chủ yếu là do để điện thoại túi quần hoặc để ngăn ngoài cùng của balo. Mình lên xe vẫn luôn để 1 tay vào túi quần ở phía có điện hoặc tiền để cảnh giác".

Thành viên này cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là nên tập cảm nhận: "Có lần mình lên cửa xe, thấy bên cạnh có sát khí, nhìn xuống túi quần thấy có 2 ngón tay ...run run đang chực móc. Thế là quay ra lườm cho hắn một phát rồi lên xe".

Lúc lên xuống xe đông người, là cơ hội cho kẻ gian hoạt động (Ảnh: Bưu điện Việt Nam)

Nguyên nhân khiến bọn móc túi hoành hành trắng trợn là vào những giờ cao điểm, mọi người chen lấn xô đẩy nhau lên xe, đây là “thời cơ vàng” cho bọn móc túi hoạt động. Nguyên nhân thứ hai là do sự chủ quan của người bị mất đồ, hay là do những người ngoài nhìn thấy nhưng thờ ơ vì không phải việc của mình nên không can thiệp hoặc lo ngại bọn chúng trả thù nên im lặng. Việc đó đã tạo điều kiện cho bọn tội phạm ngày càng tiếp tục tung hoành.

Đoàn kết chống nạn móc túi

Để đối phó với nạn móc túi này, cư dân mạng đồng tình rằng cần sự đoàn kết, đồng lòng giữa hành khách tham gia đi xe buýt và lái xe để cùng chống nạn mất cắp. Trên Youtobe một cư dân mạng nêu ý kiến: “Mình nghĩ người phụ xe nên để ý và có trách nhiệm với những chuyện này. Hành khách sợ bị đánh nên không dám “bắt tận tay day tận trán”, chỉ dám khẽ nhắc nhở các nạn nhân. Còn phụ xe, họ nên bảo vệ hành khách của mình. Họ đi nhiều, làm sao mà không biết bọn trộm cắp cơ chứ?”.
Một số bạn đọc còn cho rằng, bây giờ mỗi xe buýt nên dán biển “Đề phòng móc túi” trên xe để mọi người đi xe cẩn thận với nạn móc túi. Một ý kiến cho rằng nên gắn camera trên xe buýt hoặc các điểm chờ xe buýt cũng được nhiều người quan tâm.

Bạn đọc có tên là Conqueror chia sẻ: “Hôm qua ở bến xe Cầu Giấy, mình phát hiện một tên định móc túi của một cậu sinh viên đi xe 32, mình đã ra đạp tên đó và hô "công an đây", nhưng nó chối được vì không có chứng cớ. Sau đó nó thừa cơ mình không để ý, nó đã lấy gậy đánh vào đầu mình”. Sau câu chuyện của mình, thành viên này cũng nhấn mạnh: “Mình muốn kêu gọi tất cả các bạn cùng hợp sức với mình. Bọn tội phạm dù có đông cũng không bằng người tốt được. Vì vậy chúng ta hãy thành lập câu lạc bộ săn bắt móc túi”.

Ý kiến này được nhiều người đồng tình, hoan nghênh. Một thành viên khác hưởng ứng: :"Ý kiến này của bạn hay đấy, nhưng thay vào việc lập câu lạc bộ săn móc túi chúng ta nên lập 1 đội gọi là đội tình nguyện, sau đó chia thành từng nhóm (hoạt động nhóm sẽ oan toàn hơn). Các nhóm sẽ thay nhau trực ở các điểm trung chuyển hoặc những nơi bọn móc túi hay hoành hành để săn bọn móc túi, nhắc nhở trước với hành khách để họ có thể cảnh giác hơn”.

Nhiều bạn cũng cho rằng chính tâm lý e ngại, sợ sệt của những người chứng kiến đã khiến bọn trộm cắp ngày càng mạnh dạn. Quỳnh Anh (Sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) cũng rất bức xúc về vấn đề này. Có một lần đứng ở điểm chờ xe buýt, Quỳnh Anh phát hiện một tên đang móc điện thoại của một nam sinh viên khác. Cô bạn đã nhanh chóng cảnh báo cho sinh viên kia. Kẻ móc túi thấy “động” liền chối bay chối biến, tính bài “chuồn”. Trước khi đi hắn còn cảnh cáo Quỳnh Anh bằng một cái tát như trời giáng. Nhưng điều làm nữ sinh này buồn nhất là nam sinh viên kia sau khi được cảnh báo, dù thấy cảnh chướng tai gai mắt kia thì đã ngó lơ đi chỗ khác, tỏ vẻ không liên quan gì đến mình!

Trên diễn đàn báo Giáo dục Việt Nam, bạn đọc Tùng Sơn cũng chia sẻ: “Tôi cũng đã từng bắt trộm trong lúc hắn cố chen lấn xô đẩy để rút điện thoại của một cô bé sinh viên. Nhưng sức tôi không chống nổi tên lưu manh, chỉ ngăn hắn không lấy được điện thoại. Trong khi đó, xung quanh có đến cả mấy chục con người, không một ai giúp tôi cả. Chỉ có bác xe ôm nói một câu: "Chạy đi không chúng nó quay lại chém chết"... Ai mất của cũng xót, sao không giúp người khác không gặp phải mất mát khi kẻ gian ngay trước mặt?”.


Lê Ngọc (Tổng hợp)