Theo quy định tại Điều 42 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức gồm các ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự và nhân viên.

Dựa vào ngạch được bổ nhiệm, các ngạch này được phân loại thành 4 loại A, B, C, D.

- Loại A: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;

- Loại B: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;

- Loại C: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;

- Loại D: Người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.

Theo đó, tiêu chí để phân loại công chức cũng theo quy định tại Điều 34 là căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm.

{keywords}
Tiêu chí phân loại công chức thay đổi như thế nào từ ngày 1/7? - Hình minh họa

Tuy nhiên, từ 1/7/2020, khi Luật sửa đổi, bổ sung số 52/2019/QH14 chính thức có hiệu lực thì công chức sẽ có tổng cộng là 6 ngạch so với 5 ngạch như hiện nay. Và quy định chi tiết về ngạch công chức mới sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.

Khi Luật này được sửa đổi, để phù hợp với việc bổ sung thêm 1 ngạch khác nêu tại khoản 7 Điều 1 Luật số 52, Điều 34 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cũng được bổ sung thêm quy định, loại công chức khác sẽ theo quy định Chính phủ.

Hiện nay, Chính phủ chưa có ban hành Nghị định hướng dẫn về “ngạch khác”. Theo đó, tại Quyết định số 69/QĐ-BNV, Bộ Nội vụ đã lên kế hoạch xây dựng các Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật sửa đổi năm 2019.

Bên cạnh việc quy định về loại của ngạch công chức mới, căn cứ để phân loại cũng đã thay đổi (căn cứ vào khoản 1 Điều 34 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2019).

Cụ thể, căn cứ để phân loại đã chuyển từ “dựa vào ngạch công chức được bổ nhiệm” thành “dựa vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiêp vụ”.

3 trường hợp được xét tuyển vào công chức:

Theo quy định tại điều 37 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, tuyển dụng công chức phải căn cứ vào phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, phù hợp với ngành, nghề tuyển dụng.

Cũng theo quy định này, việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển trừ trường hợp người có đủ điều kiện để trở thành công chức và cam kết tình nguyện làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… từ 5 năm trở lên thì được xét tuyển.

Do đó, theo Luật Cán bộ, công chức hiện đang có hiệu lực chỉ có duy nhất 1 trường hợp nêu trên được xét tuyển vào công chức. Tuy nhiên, theo khoản 5, điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực từ 1/7/2020 đã bổ sung thêm 2 trường hợp được tuyển dụng thông qua xét tuyển gồm: Người học theo chế độ cử tuyển nêu tại Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

Trong đó, theo điều 87 Luật Giáo dục có hiệu lực cùng thời điểm với Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, chế độ cử tuyển áp dụng với người dân tộc thiểu số rất ít người, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít công chức là người dân tộc thiểu số.

Đồng thời, khoản 3, điều 87 Luật Giáo dục có quy định: Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học, được xét tuyển và bố trí việc làm. Có thể thấy việc bổ sung thêm 2 trường hợp xét tuyển vào công chức đã tạo sự đồng bộ giữa các quy định và cũng tạo điều kiện cho các đối tượng này được phát huy năng lực, trình độ của mình.

Theo quy định tại khoản 6, điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, xét tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng: Vòng 1, kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm đã đăng ký tại phiếu đăng ký dự tuyển. Nếu điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp thì sẽ được tham dự vòng 2; Vòng 2, phỏng vấn để kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn của người tham dự xét tuyển trong thời gian 30 phút. Trong đó, không thực hiện phúc khảo với kết quả phỏng vấn tại vòng này.

(Theo ĐS & PL)