Trong 2 ngày 14 và 15/11, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) phối hợp với Cơ quan Khí tượng Na Uy tổ chức khai mạc hội thảo dự báo biển năm 2023: “Mã nguồn mở cho dự báo biển”.
Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam là một trong số các quốc gia phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai, vùng ven biển thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thiên nhiên, gây thiệt hại đáng kể về người và kinh tế.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ các thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng dân cư khu vực ven biển.
Hằng năm, người dân sinh sống ở khu vực ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai như: Bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường, xói lở bờ biển, hạn hán hoặc xâm nhập mặn. Trong đó, bão và nước dâng bão được coi là một trong các loại hình thiên tai có nguy cơ gây rủi ro cho tất cả các vùng ven biển Việt Nam.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới và Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi thiên tai, có khoảng 12 triệu người dân ở các tỉnh ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và hơn 35% các khu dân cư nằm dọc bờ biển đang bị xói lở. Do đó, Tổng cục KTTV luôn chú trọng tăng cường năng lực dự báo biển cho các dự báo viên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo biển, dự báo nước dâng do bão.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường cho biết, trong những năm qua, Bộ Ngoại giao Na Uy và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ những hoạt động hợp tác giữa Tổng cục KTTV và Cơ quan khí tượng Na Uy. Trong đó cán bộ của Tổng cục đã được cử đi học tập kinh nghiệm, đào tạo ngắn hạn tại Na Uy, nhằm hỗ trợ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng tiến bộ và có độ chính xác cao hơn.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường đánh giá, Hội thảo Dự báo biển năm 2023 với chủ đề Mã nguồn mở cho dự báo biển là hoạt động hợp tác vô cùng thiết thực nhằm nâng cao năng lực trong dịch vụ dự báo thời tiết biển. Việc sử dụng mã nguồn mở để thiết lập các mô hình sóng và dòng chảy, phục vụ phòng tránh thiên tai và đánh giá tiềm năng điện gió.
Kết quả, với sự hợp tác, hỗ trợ của Cơ quan Khí tượng Na Uy, thời gian qua năng lực dự báo biển của các cán bộ dự báo hải văn tại Tổng cục KTTV đã từng bước được nâng cao. Mô hình dự báo biển ROMS3D, DIANA, Ứng dụng mô hình Wavymini kiểm nghiện dự báo sóng bằng các sản phẩm vệ tinh, mô hình tràn dầu, mô hình đại dương, mô hình quỹ đạo đại dương do Cơ quan Khí tượng Na Uy chuyển giao và đào tạo sử dụng đã được đưa vào tác nghiệp tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, và hiện đã được mở rộng sử dụng tại tất cả các Đài KTTV khu vực.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường hy vọng trong thời gian tới, sự hợp tác giữa Tổng cục KTTV và Cơ quan Khí tượng Na Uy sẽ có những bước tiến mới, phát triển sâu rộng hơn nhằm góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phát triển bền vững kinh tế - xã hội không những cho Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác dự báo biển như: Ứng dụng của các mô hình ROM3D, DNORA, SWAN, ... vào dự báo nghiệp vụ hàng ngày của các bản tin dự báo hải văn gồm: dự báo sóng, dự báo nước dâng do bão, dự báo thủy triều và dự báo dòng chảy…
SWAN (tên đầy đủ Simulating WAve Nearshore - mô phỏng sóng vùng ven bờ) là mô hình toán được phát triển bởi trường Đại học công nghệ Delft. Mô hình nhằm mục đích tính toán sự lan truyền của sóng từ ngoài khơi vào bờ biển.
Công cụ hạ quy mô động DNORA trong dự báo sóng được khai thác và ứng dụng tại Việt Nam. Đây là ứng dụng trong nghiệp vụ hằng ngày phục vụ dự báo sóng chi tiết cho các khu vực ven bờ tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, một số Đài KTTV Khu vực và Đài KTTV Tỉnh có biển. Từ đó, cung cấp thông tin trong việc chỉ đạo và điều hành công tác phòng chống thiên tai cho các tổ chức phòng chống thiên tai, doanh nghiệp, người dân ven biển.