Anh Hồ Văn Lợi (Nam Đàn, Nghệ An) vừa tất tả thuê xe, vừa hoàn tất các thủ tục của bệnh viện để đưa bố anh về quê lo tang lễ. Bố anh mất đột ngột do trụy tim khi anh cùng các anh chị em còn chưa kịp nghe bố trăng trối lần cuối.
Câu chuyện của anh Lợi chỉ là một trong nhiều trường hợp bệnh nhân là người cao tuổi (NCT) ra đi đột ngột do đột tử trong thời gian gần đây được báo chí đưa tin.
Theo thống kê của Bệnh viện Tim Hà Nội, mỗi năm số ca mắc bệnh tim mạch ở nước ta tăng trung bình khoảng 10-20%. Hàng năm cũng có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong. Chính vì vậy, tim mạch được ví là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất, vượt số người mất vì ung thư và đặc biệt cũng là bệnh sát thủ của NCT.
Chia sẻ tại Hội nghị Tim mạch 2023 với chủ đề “Chân trời mới trong tim mạch” mới đây, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết thêm, riêng với Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca bệnh tim mạch cũng đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10-20%. 10 năm trước, mỗi năm bệnh viện làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân thì hiện nay đã tăng trung bình 15%/năm.
“Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngoài số lượng bệnh nhân là NCT vốn chiếm đa số thì số bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị cũng ngày càng tăng và có nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 30 được ghi nhận”, TS Nguyễn Sinh Hiền nói. Cũng theo TS Nguyễn Sinh Hiền, căn bệnh mà người ta mất đột ngột được dân gian gọi với cái tên “đột tử” ấy chính là do bệnh tim mà ra.
Nhìn con số dưới dạng tổng quát để dễ hình dung cho thấy, bệnh lý tim mạch đang thực sự là gánh nặng cho xã hội, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5%, trong đó bệnh mạch máu não (55,4%), bệnh tim thiếu máu cục bộ (32%), bệnh tim do tăng huyết áp (6,9%) và bệnh tim mạch khác (5,7%).
Điều đáng báo động hơn, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng cao ở các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam. Trong khi đây lại là thứ bệnh “nhà giàu” khi chi phí cho khám, chữa bệnh tim mạch cũng là gánh nặng kinh tế không chỉ cho người nhà bệnh nhân mà còn với các quỹ BHXH với hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Điều đáng nói hơn, những cái chết do bệnh tim mang lại thường đến bất ngờ, không báo trước và ngày càng ít triệu chứng.
Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, dấu hiệu bệnh tim mạch thường xuất hiện thoáng qua, không rõ ràng, khiến người bệnh không để ý cho đến khi có các dấu hiệu nặng. Kèm theo đó là gánh nặng kinh tế khi bệnh chuyển biến phức tạp, cần phác đồ, phương pháp phẫu thuật, thủ thuật can thiệp tốn kém hơn. Trong khi nguyên nhân gây nên bệnh tim lại rất đa dạng, từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân béo phì, nguy cơ hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, từ đó dẫn đến các bệnh tim mạch.
Đặc biệt, trong lối sống công nghiệp hiện nay, khi áp lực công việc quá lớn, ít vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng góp phần khiến số ca mắc mới tăng. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng hợp từ các nghiên cứu gần đây cho thấy, không khí ô nhiễm cũng có mối liên quan mật thiết đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Cụ thể, khi tiếp xúc các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài sẽ làm tăng 10-20% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Xét theo lí do này, nhiều khu vực ở nước ta do quá trình đô thị hóa nhanh hoặc sản xuất công nghiệp quá mức cũng dẫn tới ô nhiễm không khí. Ví dụ tại các làng nghề, khu vực khai thác đá/ làm xi măng; các khu công nghiệp... tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước cũng đang ở mức rất báo động. Bên cạnh đó, tuổi tác và quá trình trẻ hóa bệnh nhân mắc bệnh lý liên quan đến tim mạch cũng là một trong những lí do rất đáng lưu tâm.
Cụ thể, nếu trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… nhưng hiện nay, theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, có người 30- 40 tuổi, thậm chí dưới 30 đã mắc bệnh tim mạch. Điều đáng lo ngại hơn, hiện có khoảng 25% người Việt trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và số bệnh nhân có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Về điều kiện chăm sóc y tế, rất may mắn nếu trước đây những bệnh nhân rất nặng đều phải chuyển sang nước ngoài điều trị và chăm sóc thì nay có thể điều trị tại Việt Nam. Các kỹ thuật hiện đại trên thế giới như thay van động mạch chủ qua ống thông, sửa van hai lá... đã được bác sĩ Việt Nam sử dụng thành thạo và hoàn toàn làm chủ công nghệ. Như vậy, nếu các bệnh nhân đi thăm khám sức khỏe định kỳ thì việc tầm soát và sớm phát hiện, điều trị bệnh lý tim mạch sẽ có thể cứu sống được nhiều người, nhất là nhóm NCT.
Còn với những người bình thường, phòng bệnh hơn chữa bệnh luôn luôn đúng. “Chỉ cần chú ý những hành động tưởng chừng rất đơn giản như không hút thuốc lá, ăn giảm mặn, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực mỗi ngày… là đã có thể giúp chúng ta tránh được ít nhất 80% các ca tử vong sớm do bệnh tim mạch”, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền khuyên.