Hội thảo là hoạt động ý nghĩa, góp phần cụ thể hoá và làm sâu sắc hơn chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển qua gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới. Kết quả của Hội thảo sẽ được chắt lọc, phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đề xuất những kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của NHCSXH trong giai đoạn mới.
Có thể thấy, an sinh xã hội là một trong những nội dung được đề cập toàn diện, xuyên suốt trong hệ thống quan điểm, chính sách của Đảng ta nhằm thực hiện chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, coi đây vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành đồng bộ nhiều chính sách và giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, trong đó tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện được coi là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, có hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng "đen", giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương…
Tại Hội thảo, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, luôn nêu cao khẩu hiệu hành động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH”. Tính đến 31/7/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 305 nghìn tỷ đồng, tăng gần 176 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%. Các chương trình tín dụng chính sách đã cung cấp nguồn lực thực hiện quan trọng và thật sự trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thông tin từ Ban tổ chức Hội thảo cho biết, hơn 60 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đa được gửi đến Hội thảo. Các tham luận của Hội thảo tập trung vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và bài học kinh nghiệm từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; Vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện và đẩy lùi nạn “Tín dụng đen” ở Việt Nam...; Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhiều bài viết đề xuất giải pháp tập trung nguồn lực từ trung ương, đẩy mạnh ủy thác vốn từ ngân sách địa phương và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.