Trong thời gian qua, tài chính vi mô đã góp phần quan trọng trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và giảm nghèo bền vững.

Các khoản tín dụng vi mô đã được sử dụng để giúp những người nghèo nhất bắt đầu hoặc mở rộng các hình thức kinh doanh nhỏ từ xay gạo, bán hàng, sản xuất sản phẩm thủ công, hay đầu tư cho con cái học hành,... cho đến phát triển sản xuất kinh doanh ở những vùng sâu vùng xa. Việc làm này không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

Mấy năm trước, Trà Vinh là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Hầu hết họ đều thiếu vốn sản xuất, thiếu đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, có đông người ăn theo hay có lao động nhưng không có việc làm hoặc thiếu việc làm... họ là đối tượng rất cần vốn để có thể thoát nghèo.

Trong bối cảnh đó, việc đã được xem xét là nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng vi mô cho người nghèo vay là điều rất cần thiết, để chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Gia đình bà Nguyễn Thị Vỹ là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu 4, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì. Sau nhiều năm bán hàng ăn sáng với nguồn thu nhập ít ỏi, bà Vỹ cùng chồng bàn bạc chuyển hướng làm ăn nhưng thử qua vài nghề khác cũng chẳng khấm khá hơn. Đến năm 2015, nhờ sự giới thiệu và kết nối của Chi hội Phụ nữ khu dân cư, bà Vỹ trở thành thành viên của Quỹ TYM và được hỗ trợ vay 10 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Từ nguồn vốn vay ban đầu và gần 5 sào đất nông nghiệp của gia đình, bà Vỹ mua gà, vịt giống về chăn nuôi. Một năm sau, nhờ chăn nuôi có lãi, bà đã hoàn trả được số tiền vay cả gốc lẫn lãi. Cứ thế nhiều năm nay, nhờ sự hỗ trợ của Quỹ TYM với nguồn vốn cho vay tăng dần, từ 10 rồi 20, 30 đến 50 triệu đồng, bà Vỹ và gia đình đã mở rộng quy mô chăn nuôi, hình thành trang trại tổng hợp với 2 ao cá cùng hàng trăm con gà, vịt, lợn; mỗi năm thu nhập bình quân từ trang trại đạt từ 150 - 200 triệu đồng.

Tín dụng vi mô cung cấp tín dụng vi mô và các sản phẩm tài chính cho người nghèo nên hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội là rất thiết thực. Qua đó cho thấy, quy mô hoạt động tín dụng vi mô ngày càng lớn mạnh và đa dạng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, bình đẳng giới… tín dụng vi mô  góp phần xoá dần đi quan điểm cho rằng việc giải quyết vấn đề đói nghèo chỉ là trách nhiệm của các Chính phủ.

Tín dụng vi mô đã hình thành mạng lưới tài chính thay thế cho người nghèo. Tức là mạng lưới dịch vụ tài chính không chỉ phụ thược khu vực chính thức, sự xuất hiện khu vực tài chính vi mô  bán chính thức đã làm thay đổi bối cảnh về dịch vụ tài chính.

Hơn nữa, khu vực tài chính bán chính thức thường hướng hoạt động đến các địa phương kém phát triển như thiếu đất canh tác, cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế thấp… do vậy các sản phẩm tài chính được cung cấp đến tay người nghèo, phụ nữ khó khăn.

Tín dụng vi mô cũng đã làm thay đổi quan điểm trong hoạt động kinh doanh tài chính. Hầu hết các nhà kinh doanh tài chính cho rằng tín dụng cho người nghèo là hoạt động bố thí, không sinh lời.Thực tiễn hoạt động tín dụng vi mô nhiều năm qua ở các quốc gia trên thế giới cho thấy tín dụng vi mô không chỉ có tác động tích cực cho nền kinh tế - xã hội mà còn đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các tổ chức này.

Có thể nói, tín dụng vi mô đã góp phần thay đổi định kiến về người nghèo, thay đổi cách nhìn về người nghèo. Nhờ có hoạt động tín dụng vi mô, người nghèo đã được quan tâm hơn, họ đã được hỗ trợ tài chính để cải thiện hoạt động kinh tế. Đại bộ phận người nghèo vay vốn từ hoạt động Tín dụng vi mô đã thoát nghèo và cải thiện được những định kiến khắc khe đối với họ.

Đình Thành, Đăng Tấn, Trà My