Nếu đã từng xem bộ phim Hoàng đế cuối cùng của đạo diễn Bernardo Bertolucci, bạn sẽ biết đến gia sư người Anh Reginald Johnston của vua Phổ Nghi. Johnston dạy vua cách đi xe đạp, sử dụng điện thoại và mua cho vua một cặp kính.

Tuy nhiên, Johnston không phải là người nước ngoài duy nhất sống ở Tử Cấm Thành.

uyen dung 1.jpg
Hoàng đế Phổ Nghi và Hoàng hậu Uyển Dung (chính giữa hàng 2) tại tòa Công sứ Anh ở Bắc Kinh năm 1924

Năm 1922, Phổ Nghi kết hôn với Uyển Dung – xuất thân từ gia tộc nổi tiếng Quách Bố La thị. Cha bà là đại quan Nội vụ phủ Vinh Nguyên. Mẹ bà qua đời khi bà mới 2 tuổi. Sau này, bà được mẹ kế là Hằng Hương nuôi dưỡng.

Uyển Dung được đánh giá là người độc lập, mạnh mẽ, và khá thích thú với văn hóa phương Tây.

Em trai bà, Quách Bố La Nhuận Kỳ, sau này đã viết: “Họ dạy chị ấy cách cúi đầu và cư xử với Hoàng đế. Nhưng chị ấy liên tục nổi loạn. Uyển Dung chán ngấy những bài học và không hài lòng khi phải kết hôn với người chưa từng gặp mặt”.

Lúc này, Phổ Nghi và Uyển Dung đều mới 16 tuổi.

uyen dung 2.jpg
Hoàng hậu Uyển Dung

Uyển Dung thỉnh thoảng ăn mặc kiểu phương Tây, nghe nhạc Jazz. Những người bảo thủ phản đối sự tân tiến của bà. Thậm chí, họ bị “sốc”.

Tuy nhiên, Uyển Dung sau cùng đã nhượng bộ trong việc lấy Hoàng đế Phổ Nghi. Nhưng bà đặt điều kiện là phải có gia sư. Bà muốn học tiếng Anh. Vua Phổ Nghi đã chấp thuận mong muốn của bà Uyển Dung.

Nữ gia sư người Anh - một người bạn

Ngày 22/9/1922, nữ gia sư Isabel Ingram vào Tử Cấm Thành để gặp Hoàng hậu Uyển Dung, bắt đầu một mối quan hệ thân thiết kéo dài suốt nhiều năm tháng.

Bà Ingram sinh ra trong một gia đình truyền giáo Cơ đốc và biết tiếng Trung. Ngay từ đầu, mối quan hệ giữa bà Ingram và Hoàng hậu Uyển Dung đã khác với mối quan hệ giữa ông Johnston và Hoàng đế. 

Ông Johnston là một cựu nhà ngoại giao cứng rắn, sắp bước sang tuổi 50. Còn Ingram lúc đó mới bước sang tuổi 20, chỉ hơn hoàng hậu vài tuổi.

Ông Johnston đến từ Edinburgh và tới Trung Quốc thông qua Đại học Oxford. Còn bà Ingram sinh ra ở Bắc Kinh, sau đó học Trường Cao đẳng Wellesley, bang Massachusetts (Mỹ), rồi trở lại Trung Quốc.

Ingram giống một người bạn của Hoàng hậu hơn là một gia sư. Bà khuyến khích Hoàng hậu theo đuổi sở thích âm nhạc, thời trang, nhiếp ảnh cũng như tiếng Anh, ngay cả khi Hoàng hậu đang chuẩn bị cho các nghi lễ cưới hỏi phức tạp của hoàng tộc.

Đám cưới xa hoa

uyen dung 4.jpg
Hoàng hậu Uyển Dung muốn được học tiếng Anh giống như Hoàng đế Phổ Nghi

Đám cưới của Hoàng đế Phổ Nghi và Hoàng hậu Uyển Dung được tổ chức vào một ngày Chủ nhật cuối năm 1922. Đây là đám cưới theo phong cách hoàng tộc cuối cùng mà người Bắc Kinh được chứng kiến. Chính vì thế, triều đình đã phô trương tất cả sự sang trọng và uy nghi của buổi lễ.

Theo nhà văn người Mỹ Richard Halliburton, người tình cờ có mặt tại Bắc Kinh vào thời điểm đó, “vào 4h sáng, một cảnh tượng tuyệt đẹp di chuyển qua những con đường ở Bắc Kinh… Cả thành phố đã thức giấc. Người dân xếp hàng dài để xem lễ rước dâu”.

Những con đường chính được trang trí bằng gấm thêu kim tuyến và rồng vàng. Halliburton đi theo đoàn rước đến Ngọ Môn, lối vào phía nam của Tử Cấm Thành. Cánh cổng này mở rộng để đón Hoàng hậu Uyển Dung. 

uyen dung 5.jpg
Đám cưới Hoàng đế Phổ Nghi và Hoàng hậu Uyển Dung ở Tử Cấm Thành năm 1922

Halliburton, cùng với hàng nghìn người dân Bắc Kinh im lặng dõi theo nhưng không thể tiến xa hơn. Bên trong, Hoàng đế Phổ Nghi ngồi trên ngai vàng chờ đợi cô dâu. Chỉ có 2 người nước ngoài hiện diện ở buổi lễ, đó là Reginald Johnston và Isabel Ingram.

Trong cuốn hồi ký năm 1925 của mình, Royal Road to Romance, Richard Halliburton thừa nhận đã rất tò mò và bị lôi cuốn bởi những lời đồn thổi về cuộc sống của Hoàng hậu Uyển Dung trong Tử Cấm Thành.

uyen dung 6.jpg
Hoàng hậu Uyển Dung sống ở Trữ Tú Cung

Cuộc sống trong Tử Cấm Thành

Nhà văn Halliburton và nữ gia sư Ingram sau đó đã có một cuộc gặp vào đêm Giáng sinh. Họ đi bộ dọc theo bức tường bao quanh hoàng thành và khu Công sứ. 

Halliburton nhận thấy nữ gia sư Ingram “nhỏ nhắn và khá hấp dẫn”. Nữ gia sư nói cho ông biết, Hoàng hậu Uyển Dung được chăm sóc chu đáo bên trong Tử Cấm Thành.

uyen dung 7.jpg
Hoàng hậu Uyển Dung (trái) và nữ gia sư người Anh Isabel Ingram ở Tử Cấm Thành

Ngày nhỏ khi ở Thiên Tân, Uyển Dung đã được học piano. Đến khi vào Tử Cấm Thành, Ingram đã phát hiện ra một chiếc đàn organ bị bỏ quên, phủ đầy bụi. Bà bắt đầu khuyến khích Hoàng hậu chơi đàn lại.

Hoàng hậu Uyển Dung sống trong Trữ Tú Cung, nơi ở trước đây của Từ Hi Thái hậu. Còn Hoàng đế Phổ Nghi sống ở Dưỡng Tâm Điện.

Một số tờ báo cho rằng, nữ gia sư Ingram là người gợi ý Hoàng hậu lấy tên tiếng Anh là Elizabeth. Thực ra, chính Hoàng hậu chọn cái tên này cho mình. Hoàng đế Phổ Nghi cũng từng lấy cái tên Henry và còn ban hành một sắc lệnh thông báo cho công chúng về tên mới.

Về việc học tập, trước đây, người trẻ trong cung thường phải học vài giờ mỗi ngày. Nhưng từ khi Hoàng hậu Uyển Dung chuyển vào Tử Cấm Thành, người ta thấy bà thường chỉ học 1 giờ mỗi ngày. Các buổi học luôn có trà, nước chanh, bánh ngọt, thậm chí cả rượu vị sô-cô-la.

Ingram mua báo nước ngoài cho Hoàng hậu Uyển Dung đọc để cải thiện tiếng Anh cũng như cập nhật kiến thức về thế giới. Hoàng hậu luyện viết tiếng Anh bằng bút máy làm bằng vàng và lọ mực làm bằng bạc.

Khi ngữ pháp tiếng Anh có vẻ hơi nhàm chán, họ chuyển sang đọc truyện ngụ ngôn Aesop.

uyen dung 8.jpg
Đôi khi Hoàng hậu Uyển Dung mặc những bộ váy kiểu Tây

Một trong những lý do khiến Isabel Ingram ít được biết đến là vì bà không xuất bản cuốn hồi ký nào về quãng thời gian ở bên Hoàng hậu Uyển Dung. Tuy nhiên, bà vẫn giữ nhật ký và sổ ghi chép, những thứ còn sót lại và được con cháu bà lưu giữ.

Mỗi ngày, nữ gia sư Ingram sẽ được một thái giám trong cung hộ tống đến Tử Cấm Thành trên một chiếc xe kéo. Từ cổng thành đến Trữ Tú Cung, bà sẽ ngồi kiệu 6 người khiêng. Đôi khi, bà mang theo cả vali đựng những bộ váy kiểu phương Tây để Hoàng hậu mặc thử.

Bà ghi lại trong nhật ký của mình rằng, có lúc các buổi học bị hủy đột ngột vì Hoàng hậu “bận”. Sau này, Ingram phát hiện ra, lý do này thường được dùng cho những việc như “thả diều với Hoàng đế”, hay “xem chú ngựa nhỏ của Hoàng đế chạy nước kiệu”...

“Hoàng đế hiếm khi làm gián đoạn giờ học của chúng tôi”, bà viết. Đôi khi Hoàng đế tham gia trò chuyện cùng họ và chia sẻ về những cuốn sách ông đang đọc. “Chúng tôi nói về nước Anh và nước Mỹ. Ông ấy muốn biết liệu tôi có đi học ở Oxford hay không”, Ingram viết.

Sau khi tất cả đã hiểu nhau hơn, Hoàng đế hay ngẫu hứng thực hiện các chuyến tham quan Tử Cấm Thành để ngắm nhìn những kho báu như các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo, những bức tượng ngọc bích tinh xảo...

uyen dung 9.jpg
Hoàng hậu Uyển Dung được tặng một chiếc máy ảnh làm quà cưới. Bà rất thích món quà này và thường xuyên sử dụng nó

Sự lụi tàn 

Vào mùa đông, Tử Cấm Thành lạnh giá. Những người phụ nữ hay thêu thùa để giữ ấm cho ngón tay. Hoàng hậu Uyển Dung mắc bệnh cước, nhưng các phương thuốc của thái y không có tác dụng. Ingram đã lén đưa một số loại thuốc từ ngoài vào. Bà cũng phải sử dụng nó vì chân bà bị lạnh cóng vào mùa đông.

Tới mùa hè, lý do nghỉ học xuất hiện thường xuyên hơn. Hoàng hậu Uyển Dung thường gọi gia sư đi ăn sáng từ sớm, sau đó bắt bà đợi hàng giờ. Các buổi học thường diễn ra ngoài trời, được phục vụ dưa hấu mát rượi.

uyen dung 12.png
Người phụ nữ trong ảnh được cho là nữ gia sư Isabel Ingram

Hoàng hậu rất muốn khám phá các khu vườn và hòn non bộ của Tử Cấm Thành. Ingram nhớ mình đã mặc một chiếc váy mùa hè rộng thùng thình và đội một chiếc mũ che nắng lớn màu xám, trong khi Hoàng hậu mặc một chiếc áo choàng màu tím truyền thống, ôm sát người.

Trong số các món quà cưới, Hoàng hậu nhận được một chiếc máy ảnh và rất thích sử dụng nó. Bà dùng nó để chụp Hoàng đế Phổ Nghi, em trai, nữ gia sư Ingram, khu vườn... Nữ gia sư chỉ được xem một vài bức trong số đó. Hoàng hậu ngại cho người khác xem tác phẩm của mình.

Hoàng đế Phổ Nghi ra lệnh xây một sân tennis. Vua và Hoàng hậu đều thích chơi môn thể thao này. Johnston hay lấy cớ “đã già” để tránh phải đấu đôi. Trong khi, Ingram và em trai Hoàng hậu thường tham gia các trận thi đấu bất chấp cái nóng gay gắt của tháng 7.

Cuộc sống đó không tồn tại được lâu. Hoàng đế Phổ Nghi không còn đạp xe nữa mà chạy vòng quanh Tử Cấm Thành trên một chiếc mô-tô mới mua. Hoàng hậu Uyển Dung lắp những chiếc xích đu trong Ngự Hoa Viên. Ingram hay than phiền khi phải đẩy xích đu hàng giờ cho Hoàng hậu.

uyen dung 11.jpg
Nữ gia sư Isabel Ingram ở Tử Cấm Thành năm 1924

Tháng 11/1924, cuối cùng cũng đến ngày kết thúc. Phùng Ngọc Tường chiếm giữ Bắc Kinh và trục xuất Hoàng đế Phổ Nghi cùng người hầu kẻ hạ của ông ra khỏi Tử Cấm Thành. Họ có một cuộc sống mới ở Thiên Tân.

Mặc dù đã trở thành bạn bè và thường xuyên đi ăn cùng nhau, nhưng ông Johnston chỉ nhắc đến bà Ingram một lần trong cuốn hồi ký dài 500 trang của mình.

Trong thời gian làm việc, Johnston được cấp một chỗ ở trong Tử Cấm Thành - một gian nhà hai tầng bên cạnh Ngự Hoa Viên, trong khi Ingram vẫn sống cùng bố mẹ bên ngoài Tử Cấm Thành.

Sau thời gian gắn bó cùng Hoàng hậu Uyển Dung, Ingram tới Mông Cổ, sau đó lên Ngũ Đài Sơn, tỉnh Sơn Tây và dành một thời gian ở tu viện Phật giáo. Bà cũng đóng góp một số bài viết học thuật cho tờ Bảo tàng Pennsylvania, mô tả những món đồ mà bà từng thấy trong bộ sưu tập riêng của Hoàng đế ở Tử Cấm Thành.

Năm 1930, bà gặp và kết hôn với William Mayer, một quân nhân và là tùy viên của tòa Công sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh. Sau chiến tranh, gia đình Mayer định cư ở Connecticut (Mỹ).

Uyển Dung theo chồng bước vào cuộc đời lưu vong, bắt đầu hút thuốc phiện và nghiện ngập. Sau đó, bà lại trở thành Hoàng hậu khi Phổ Nghi trở thành Hoàng đế bù nhìn của Mãn Châu.

Mối quan hệ của bà với chồng mình và sức khỏe tinh thần của bà đều xấu đi theo thời gian. 

Cuối cùng, người Nhật đưa bà vào bệnh viện – nơi mà sức khỏe của bà ngày càng tệ. Bà qua đời vào tháng 6/1946. Năm ấy, bà mới chỉ 39 tuổi. Hiện không rõ bà được chôn cất ở đâu.

Nữ gia sư Isabel Ingram qua đời năm 1988 ở tuổi 86 tại Alexandria, Virginia, Mỹ.

Ảnh: SCMP