Trước yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, nhận thức tầm quan trọng của công tác PBGDL, ngày 09/12/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân”.
Sự ra đời của Chỉ thị số 32-CT/TW đã đặt nền móng quan trọng để xây dựng, ban hành thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới theo chỉ đạo của Đảng ta.
Với quan điểm “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”, ngay sau khi Chỉ thị số 32-CT/TW được ban hành, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến Chỉ thị tới cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên của bộ, ngành, đoàn thể mình và các tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Để tiếp tục đưa công tác PBGDPL lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 09/12/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW. Chỉ thị đã khẳng định PBGDPL là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cơ quan Đảng, chính quyền, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, đồng thời công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.
Để đáp ứng yêu cầu trên của Chỉ thị và Kết luận số 04 ngày 19/4/2011-KL/TW về xây dựng, ban hành Luật PBGDPL và các văn bản pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện công tác PBGDPL, ngày 20/6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật PBGDPL.
Đây là một dấu son quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, khẳng định cụ thể hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác này đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở đó, để Luật Phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai thi hành, 03 Nghị định của Chính phủ, 07 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Thông tư liên tịch của liên Bộ Tài chính - Tư pháp, 09 Thông tư và 02 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được ban hành. Đây là hành lang pháp lý vững chắc, có tính thống nhất, đồng bộ của công tác PBGDPL trong suốt thời gian qua và hiện nay.
Theo đánh giá của Vụ PBGDPL – Bộ Tư pháp, sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng sau:
Nhận thức của các cấp ủy và chính quyền trong chỉ đạo tổ chức triển khai công tác PBGDPL đã có sự chuyển biến tích cực: các cấp ủy, tổ chức đảng đã xác định rõ hơn công tác PBGDPL là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Điều đó thể hiện rõ trong việc các cấp ủy đảng đã tích cực vào cuộc, dành thời gian, nguồn lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra... cũng như việc ban hành nhiều văn bản triển khai công tác PBGDPL đến tận cấp cơ sở.
Thể chế, chính sách của công tác PBGDPL cơ bản đã hoàn thiện: Việc ban hành các văn bản, thể chế, chính sách trong công tác PBGDPL ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ với văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật PBGDPL năm 2012 và các văn bản có liên quan từ Nghị định đến Thông tư. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác PBGDPL, qua đó đầu tư cả về nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác PBGDPL.
Thêm vào đó, sự đổi mới trong nội dung và hình thức tuyên truyền pháp luật được cán bộ, nhân dân cảm nhận rất rõ ràng. Phổ biến giáo dục pháp luật giờ đây không “nói những gì mình có” mà bám sát nhu cầu xã hội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phong phú, sáng tạo, thể hiện màu sắc, văn hóa của từng vùng miền.
Số lượng cũng như chất lượng về nguồn nhân lực thực hiện công tác này đã được nâng lên từng bước. Đội ngũ nguồn nhân lực thực hiện PBGDPL trong thời gian qua đã góp phần cơ bản, quan trọng trong việc triển khai công tác PBGDPL được đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả trên toàn quốc.
Nội dung, hình thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả, phù hợp hơn với từng đối tượng, lĩnh vưc, địa bàn: Nội dung phổ biến đã bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương; những vấn đề dư luận quan tâm và cần định hướng dư luận đã được chú trọng thực hiện; chú trọng giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật gắn với giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống đề hình thành nhân cách, xây dựng con người Việt Nam toàn diện phát triển.
Hình thức PBGDPL đã được thực hiện đa dạng, phong phú, sáng tạo, thể hiện màu sắc, văn hóa của từng vùng miền; Nhiều mô hình hay, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn đã xuất hiện trên khắp cả nước, trở thành những điểm sáng của cơ sở trong triển khai công tác PBGDPL.
Nguồn lực cho công tác PBGDPL được đảm bảo, việc huy động nguồn lực từ trong nhân dân và sự tham gia của người dân vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được quan tâm: Thời gian qua nguồn lực tài chính cũng như các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ những người làm công tác PBGDPL đã được bảo đảm và ngày càng hoàn thiện. Hoạt động xã hội hóa công tác PBGDPL cũng đã được chú trọng và ngày càng có hiệu quả thiết thực. Với sự thu hút, huy động và sử dụng có các nguồn lực xã hội từ nhân lực đến tài chính, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia cùng với Nhà nước bằng những phương thức và mô hình phong phú, linh hoạt đã góp phần gia tăng hiệu quả thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của công tác PBGDPL.
Sự hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong thời gian qua đã được nâng cao góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Qua việc tổng kết cho thấy, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm.
Như vậy, nhìn chung công tác PBGDPL trong những năm qua đã kịp thời đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần quan trọng tạo nên chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân….