Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, là ngôi nhà chung của 20 dân tộc anh em, trong đó có 4 dân tộc có dân số dưới 10.000 người (Cống, Mảng, La Hủ, Si La).
Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn quán triệt sâu sắc, quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, vận dụng đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.
Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có trên 28 nghìn đảng viên và 100% số thôn, bản đều có chi bộ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được chú trọng; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, gắn bó, tận tụy với nhân dân, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị theo phương châm: Đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhân dân, tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi chính đáng của dân. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đồng thuận và tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình; động viên nhau tích cực thi đua lao động sản xuất, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có chất lượng cao, như chè, quế, mắc-ca..., với nhiều mô hình sản xuất có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đồng thuận, phấn khởi với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt khó, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, như đồng bào dân tộc Mông, Thái ở huyện Phong Thổ làm giàu từ cây chuối; đồng bào dân tộc Hà Nhì, La Hủ ở huyện Mường Tè tích cực trồng và chiết xuất tinh dầu sả; đồng bào Mông, Thái, Kinh, Dao... ở các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường làm kinh tế từ cây chè... Nhờ đó, ở nhiều nơi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên; từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, bình quân gần 5%/năm; hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 17%; năm 2019, hai huyện Tân Uyên, Than Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đông đảo đồng bào các dân tộc tự nguyện đóng góp công lao động, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng đường giao thông liên bản, nội đồng, nội bản, các công trình công cộng của bản, làng, khu phố, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị về mọi mặt. Tại các địa phương trong tỉnh, đồng bào các dân tộc đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, duy trì tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống; xây dựng bản, làng trở thành những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc và thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 35/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Lai Châu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xây dựng thủy điện Lai Châu và các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, hàng chục nghìn hộ dân đã đồng thuận, tự nguyện di dời đến nơi ở mới, nhường đất xây dựng các công trình thủy điện, như Lai Châu, Sơn La, Huổi Quảng - Bản Chát, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành sớm công trình thủy điện quốc gia và thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Cũng nhờ có khối đại đoàn kết các dân tộc vững chắc mà trong những năm qua, mặc dù trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, song cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, tương thân, tương ái, khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, sản xuất.
Những kết quả nêu trên khẳng định sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là nền tảng quan trọng để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị.
Thanh Bình, Tuấn Anh, Minh Hưng, Phạm Thiện, Hà Sơn