1. Tỉnh nào có cây thị 700 tuổi từng ‘cứu’ vua Lê Lợi?
- Thanh Hóa
- Nghệ An
- Hà Tĩnh
- Hòa Bình
Cây thị trên 700 năm gắn liền với sự tích “cứu vua Lê Lợi” nằm ở xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Cây cao 45 – 50m, chu vi đoạn gốc tiếp giáp với mặt đất khoảng 12m, gốc cây rỗng, có thể chứa được 4-5 người.
Tương truyền vào năm 1424, khi cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh gặp khó khăn, Lê Lợi quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ địa.
Có lần bị địch truy đuổi, Lê Lợi vội nấp vào trong gốc thị này. Khi giặc Minh đuổi đến nơi, đàn chó săn liên tục sủa vang quanh gốc thị. Trong lúc tính mạng gặp nguy, một con cáo trắng từ trên cây vì sợ đã chạy ra khiến đàn chó săn của giặc đuổi theo, nhờ vậy Lê Lợi mới thoát nạn.
Năm 1425, biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đang đứng lên khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh.
Đến năm 2001, nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí xây dựng một miếu thờ dưới gốc cây thị, bên bia khắc chữ: Gốc thị sử tích, mùa thu Ất Tỵ 1425 Lê Lợi - Nguyễn Tuấn Thiện tuyên thệ. “Thệ phát sơ thù Minh thị hạ/ Quyết tâm bất dịch trợ hòa đao”.
2. Hai trận đánh nào lớn nhất trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn?
- Tây Kết và Đông Bộ Đầu
- Tốt Động – Chúc Động và Chi Lăng – Xương Giang
- Rạch Gầm – Xoài Mút và Bạch Đằng
- Hạ Hồi và Ngọc Hồi – Đống Đa
Hai trận đánh lớn nhất trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là trận Tốt Động - Chúc Động và trận Chi Lăng - Xương Giang. Trong đó, tại trận Tốt Động - Chúc Động năm 1426, nghĩa quân tiêu diệt hơn 5 vạn quân Minh, bắt sống nhiều tướng lĩnh và quân giặc. Chính sử chép lại: “Quân Minh bị chết đuối rất nhiều, xác trôi nghẽn cả khúc sông Ninh Giang. Ta thu được ngựa, quân tư khí giới nhiều không kể xiết”.
Còn trận Chi Lăng - Xương Giang được xem là trận đánh viện binh mở đường giải phóng hoàn toàn đất nước. Chỉ trong vòng một tháng, hai đạo viện binh của quân Minh gồm 150.000 quân đã bị nghĩa quân tiêu diệt.
3. Sau khi giành lại độc lập dân tộc, Lê Lợi lên ngôi vua ở đâu?
- Lam Sơn
- Phú Xuân
- Lam Kinh
- Đông Kinh
Trưởng thành trong thời kỳ nhà Minh đô hộ nước Việt, năm 1418, Lê Lợi tổ chức cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh. Dưới sự lãnh đạo của ông, sau 10 năm khởi nghĩa, nghĩa quân đã đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi.
Đến năm 1428, Lê Lợi lên ngôi ở Đông Kinh (kinh thành Thăng Long), đặt tên nước là Đại Việt, lấy hiệu là Lê Thái Tổ, chấm dứt 20 năm thống trị của nhà Minh. Dù chỉ tại vị 6 năm nhưng Lê Lợi chính là hoàng đế đầu tiên xây dựng nền tảng cho nhà Hậu Lê, mở đầu cho triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam với 355 năm.
Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ, vua Lê Thái Tổ đã kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống quan chế, quan chức, pháp luật... Quan trọng nhất là những biện pháp về kinh tế, phục hồi sản xuất nông nghiệp, ban bố ruộng đất bằng chính sách quân điền. Điều này đã tạo nên một cơ sở kinh tế vững chắc cho quốc gia Đại Việt.
4. Văn bản nào khẳng định nền độc lập dân tộc sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn?
- Bình Ngô đại cáo
- Thiên đô chiếu
- Lam Sơn thực lục
- Hoàng Lê nhất thống chí
Sau 20 năm sống dưới ách thống trị tàn bạo của nhà Minh, Đại Việt sạch bóng quân thù, giành lại quyền độc lập. Vào cuối năm 1427, đầu năm 1428, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo ban bố khắp cả nước, khẳng định nền độc lập, tự do, hòa bình của Đại Việt.
Bình Ngô đại cáo được xem như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc ta, thể hiện luận điểm chính nghĩa là tư tưởng nhân đạo sâu sắc mà cốt lõi là tình yêu thương con người.
5. Thành Lam Kinh của vua Lê Lợi nằm ở đâu?
- Thăng Long
- Thanh Hóa
- Ninh Bình
- Hà Tĩnh
Sau khi định đô tại Thăng Long, vua cho xây dựng tại đất tổ Lam Sơn một tòa thành khác là Lam Kinh hay Tây Kinh.
Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây.
Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ Vương. Hiện tại, thành Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.