Chương trình xét chọn và tôn vinh "Nhà Khoa học của Nhà nông" lần thứ Ba, năm 2020 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Sau quá trình triển khai trên toàn quốc từ tháng 5 - 11/2020, Ban tổ chức nhận được các danh sách đề cử ứng viên từ Hội đồng bình chọn của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Hội đồng cấp Bộ đã xét duyệt, chọn ra được 68 tác giả tiêu biểu để tôn vinh năm 2020.
Nhiều “nhà khoa học không chuyên”
Trong số các tác giả được vinh danh năm nay, có 14 đại biểu nữ và 54 đại biểu nam; người cao tuổi nhất là 92 tuổi, người thấp nhất là 30 tuổi. Về học vị, có 24 nhà khoa học có học vị Tiến sỹ khoa học và Tiến sỹ.
Một trong những cá nhân tiêu biểu được tuyên dương là GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện Trưởng Viện Di Truyền Nông nghiệp Việt Nam.
Ông đã cùng các đồng nghiệp xây dựng hoàn thiện và chuyển giao rộng rãi vào sản xuất, nghiên cứu các quy trình tiến bộ kỹ thuật như: Quy trình nhân giống chuối, mía, các cây lâm nghiệp bằng nuôi cây mô; Quy trình tạo dòng thuần từ bao phấn ngô sử dụng cho chọn tạo giống…; là đồng tác giả của 19 giống cây trồng mới, gồm: Lúa, mía, nho, dứa, dừa, cam…
Một nhà khoa học tiêu biểu khác là PGS.TS Lê Văn Năm (SN 1951), hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thuốc thú y Năm Thái.
Ông là chủ biên hoặc đồng tham gia biên soạn 21 đầu sách các loại gồm: Giáo trình đại học và trên đại học, chuyên khảo, tham khảo và hướng dẫn phục vụ đào tạo từ nông dân đến trên đại học đã được áp dụng vào thực tiễn đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi - thú y vào sản xuất... Ông đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi; Nghiên cứu chế tạo thành công trên 120 loại sản phẩm là thuốc thú y.
PGS.TS Lê Văn Năm được tặng nhiều bằng khen, giải thưởng về thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ chăn nuôi thú y vào sản xuất và có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển ngành Thú y Việt Nam, đặc biệt là thành tích về kết quả nghiên cứu phác đồ điều trị bệnh lợn Tai xanh.
Cùng với những nhà khoa học công tác trong các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, năm nay có 14 “nhà khoa học không chuyên” là những nông dân có sáng chế, sáng kiến được ghi nhận, áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
Tiêu biểu là anh Nguyễn Văn Hưng (33 tuổi), hiện là chủ xưởng gia công chế tạo đồ leo dừa tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Từ công việc thực tế, anh đã chế tạo và đưa vào sử dụng hơn 15.000 bộ dụng cụ leo dừa cho hộ nông dân trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh Bến Tre, Bình Định, Kiên Giang, Tiền Giang, Phú Yên... Sáng kiến của anh đã giúp nhà nông tiết kiệm tiền thuê nhân công hái dừa 20.000-30.000 đồng/cây/lần thu hoạch đồng thời giúp nông dân chủ động chăm sóc và leo hái.
Bộ dụng cụ leo dừa của tác giả Nguyễn Văn Hưng |
Hay nông dân Lê Hồng, sinh năm 1947 là hiện chủ Cơ sở sản xuất bếp TK90, (xã Thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Từ năm 2012 đến nay, cơ sở của ông đã sản xuất và cung cấp trên 20.000 sản phẩm bếp TK90 với một số tổ chức phi chính phủ hỗ trợ bếp đun cải tiến TK90 cho đồng bào dân tộc ở các huyện Bảo Yên, Mường Khương và TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai và huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn…
Bếp có nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng có tác dụng rất lớn trong việc tiết kiệm chất đốt, củi đốt đồng thời giảm tối đa lượng khí thải độc hại, khói, bụi ra môi trường; tiết kiệm từ 50 - 70 % chất đốt so với bếp thường, tiết kiệm 50 % thời gian đun nấu, nâng cao nhận thức về môi trường, giảm thời gian và gánh nặng đi kiếm củi, nhất là đối với phụ nữ vùng nông thôn, miền núi...
Tác giả trẻ nhất được vinh danh lần này là Nguyễn Văn Thảo (SN 1990). Anh Thảo hiện là Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Thới.
Là Thạc sỹ về Công nghệ sinh học, anh Thảo luôn tìm tòi nghiên giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất và bảo vệ môi trường: Từ năm 2016 – 2020 tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong và ngoài tỉnh về các mô hình nông nghiệp khép kín thu hút trên 1.000 nông dân tham dự với trên 16 lớp gồm các mô hình như: Mô hình Bò – Trùn – Bò – rau: sử dụng phân bò nuôi trùn và sử dụng trùn thịt vỗ béo bò theo từng giai đoạn phát triển.
Theo ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức Chương trình, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định - Chương trình là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng về chính trị – xã hội, kinh tế – kỹ thuật, góp phần thực hiện thành công các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa "6 nhà" trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là giữa Nhà khoa học với Nhà nông, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện thu nhập của nông dân…
Lễ tôn vinh "Nhà Khoa học của Nhà nông" năm 2020, sẽ diễn ra vào ngày 29/12 tại Hà Nội.
Minh Vy