tongbi thu 3.jpg
tbt ctn to lam 2.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: SGGP

TPHCM đề xuất xây dựng Luật Quản lý và Phát triển đô thị đặc biệt

Chiều nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì buổi làm việc của đoàn công tác Trung ương với Thành ủy TPHCM.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Phó bí thư thường trực Nguyễn Hồ Hải báo cáo trong 6 tháng đầu năm nay, GRDP tăng 6,46%, cả năm ước tăng trưởng đạt 7,5%; năng suất lao động tăng 4%, giá trị năng suất lao động gấp 1,8 lần trung bình cả nước; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 157,5 tỷ USD, tăng 28,53% so với cùng kỳ giai đoạn trước.

tongbi thu 2.jpg
Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: SGGP

Thành phố hoàn thiện cơ sở dữ liệu, triển khai lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.

TPHCM đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và trở thành đầu mối giao lưu với các vùng trong cả nước và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng. 

Tuy nhiên, nhiều năm qua, TPHCM chưa phát huy được vị trí, vai trò trong liên kết vùng do cơ chế, chính sách chưa được hình thành đồng bộ, đầy đủ, nhất là trong huy động nguồn lực cho các dự án quy mô vùng.

Khuôn khổ thể chế cho hợp tác, liên kết vùng chưa hoàn thiện, chưa tạo hình thức và động cơ để các địa phương trong vùng chủ động, năng động, sáng tạo trong các hoạt động phát triển vùng. Bộ máy điều phối vùng chưa hiệu lực, hiệu quả.

Tư duy quản lý theo địa giới hành chính với tầm nhìn của từng ngành dẫn đến sự bất cập, không đồng bộ của các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ảnh hưởng đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn vùng...

Qua đó, TPHCM đề xuất tăng cường kết nối vùng để mở rộng vùng hậu phương, gia tăng vai trò trung tâm Đông Nam Bộ và Đông Nam Á của TPHCM trong thu hút đầu tư.

“Để TPHCM phát triển tương xứng với tiềm năng, thành phố kiến nghị Trung ương xem xét, cho phép xây dựng Luật Quản lý và Phát triển đô thị đặc biệt. Kiến nghị các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng cấp quốc gia và cấp vùng”, Phó bí thư Thành ủy kiến nghị.

Kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TPHCM đạt được thời gian qua, đóng góp quan trọng vào những thành công chung của cả nước.

Cụ thể, trong gần 40 năm qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, TPHCM luôn là địa phương đóng góp lớn cho cả nước trên cả phương diện GDP, thu ngân sách, năng suất lao động, cơ chế, chính sách mới, mô hình kinh doanh mới...

Trong đó, nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá, công nghệ mới, cách làm mới thường được triển khai ở thành phố rồi nhân rộng cả nước.

tbt ctn to lam 3.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: SGGP

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, những kết quả đó cho thấy TPHCM tiếp tục chứng tỏ vị thế đầu tàu kinh tế đối với đất nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, thành phố cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế trong nhiều năm qua vẫn chưa khắc phục triệt để.

Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng còn yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân; phát triển văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí là một trung tâm văn hóa lớn của vùng và cả nước; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn.

Kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên một số mặt còn hạn chế, yếu kém; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, suy thoái tư tưởng chính trị, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, mất niềm tin, suy thoái đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao.

Về nhiệm vụ của trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố cùng cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của thành phố. Cần nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng phát triển thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “TPHCM cần được định hình tương lai là thành phố toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, hội nhập; tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững; xã hội gắn kết, rộng mở, văn minh, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu thành phố kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội, tội phạm; giảm tai nạn giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn cho nhân dân, để mỗi người dân thành phố đều có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng một thành phố "giàu có"; giàu có không phải chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn giàu có về lịch sử, văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu khát vọng vươn lên.

Về công tác chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng và Đại hội 12 của Đảng bộ TPHCM, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng bộ thành phố cần chủ động, tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 14.

Đặc biệt, về công tác cán bộ, thành phố phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, cấp ủy viên các cấp, bảo đảm sự kế thừa, đổi mới; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý. Nhân sự được lựa chọn phải thật sự là những đảng viên tiêu biểu, có năng lực, phẩm chất đạo đức chính trị, có tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao trong tổ chức và nhân dân.

TBT CTN.jpg
Ảnh: SGGP

Chia sẻ với những kiến nghị của lãnh đạo thành phố, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với thành phố để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất có thể để TPHCM phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn nữa.