Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương đạo đức "cực kỳ mẫu mực". Tấm gương ấy của người đứng đầu Đảng ta có sức lan tỏa vô cùng lớn đối với thế hệ sau. 

CHIẾC CẶP BẠC MÀU VÀ CẶP KÍNH DÙNG MÃI KHÔNG THAY

Là cán bộ có cơ hội làm việc, tiếp xúc gần với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, điều gì ở Tổng Bí thư khiến ông thấy ấn tượng?

Xét trên yêu cầu lịch sử những năm tháng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc. Tổng Bí thư đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong công cuộc đổi mới, xây dựng Đảng, mở rộng quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước lớn. Kinh tế tiếp tục phát triển, xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Điểm nhấn và là dấu ấn đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác này chưa bao giờ được làm mạnh mẽ, quyết liệt, liên tục như những năm vừa qua. Điều này thể hiện bằng các hoạt động, vừa tuyên truyền, giáo dục, nhất là về xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nổi cộm.

Nói một cách khái quát, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người suốt đời, cho tới hơi thở cuối cùng đã hiến dâng cho đất nước, vì Đảng, vì dân. Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và thực hiện những điều ấy ở mức là một tấm gương hết sức mẫu mực, điển hình.

W-pham quang nghi 33.jpg
Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Quang Phong

Qua những lần tiếp xúc, ông thấy cuộc sống đời thường của Tổng Bí thư như thế nào?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hết sức giản dị. Tôi biết, cái kính mà Tổng Bí thư dùng có lẽ cũng mấy chục năm không thay. Hay cái cặp làm việc, Tổng Bí thư dùng hết năm này qua năm khác, mặc dù đã cũ, bạc màu nhưng vẫn không thay.

Cái áo khoác, áo sơ mi từ thời tôi làm việc, đến giờ nhìn trên tivi tôi vẫn thấy Tổng Bí thư mặc. Điều đó, thể hiện một ý thức, phong cách giản dị, rất quần chúng, dễ gần.

Tôi là người tiếp nhận cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội vào tháng 6/2006. Sự giản dị, gần gũi trong công việc thể hiện ngay trong ngày bàn giao đó. Không trang hoàng, không cờ hoa, không biển hiệu, chỉ một cuộc họp Ban Thường vụ để bàn giao công việc.

Tiếp xúc với Tổng Bí thư cũng vậy. Không chỉ tôi, mà những người khác cũng vậy, gặp Tổng Bí thư luôn cảm thấy không phải gặp một người lãnh đạo cấp cao, mà trước hết là cảm thấy một người gần gũi, thân mật, chân tình. Cảm nhận ấy tỏa ra từ Tổng Bí thư chứ không phải là ông "cố làm" để được như thế. Đó là phong thái nhất quán, thể hiện bản chất con người.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên tất cả cương vị công tác từ khi còn là cán bộ, biên tập viên Tạp chí Cộng sản cho đến các cương vị lãnh đạo sau này, đều một lòng, một dạ vì Đảng, vì dân. Điều này không có ai nghi ngờ!

TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC "CỰC KỲ MẪU MỰC"

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát vô cùng to lớn với Đảng, đất nước và nhân dân?

Mỗi đồng chí lãnh đạo ra đi đều là tổn thất lớn đối với Đảng, đối với tổ chức, đối với nhân dân. Bởi con người ấy còn sống, còn cống hiến thì sẽ có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chung. Cho nên, sự mất mát, tổn thất ấy là không gì bù đắp được.

Mặt khác, khi nhìn nhận quá trình hoạt động của một con người, hay của một tổ chức, nói rộng là một Đảng thì đều luôn có lớp kế tục, người này nghỉ thì có người khác lên thay.

Đây là quy luật khách quan của cuộc sống, ai cũng đến lúc phải bàn giao nhiệm vụ. Mỗi khi bàn giao nhiệm vụ thì ai cũng mong muốn người sau sẽ làm tốt hơn mình.

Càng là những nhà lãnh đạo có uy tín, càng sáng suốt thì càng mong muốn điều ấy. Đó vừa là nguyện vọng, vừa là trách nhiệm của người sau đối với người đi trước. Càng kính trọng người trước bao nhiêu thì càng phải làm tốt những điều người trước đã làm tốt.

tong bi thu nguyen phu trong 222.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Như ông chia sẻ, điểm nhấn quan trọng nhất trong sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn đảng. Và đó là thành quả cần tiếp tục phát huy?

Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để loại bỏ cái sai, cái xấu trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ là cả quá trình, được thực hiện liên tục, qua các thời kỳ.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng vì nó không chỉ đụng chạm đến danh dự, uy tín, lòng tham của con người, mà cái khó hơn nhiều chính là tự đấu tranh giải quyết vấn đề trong nội bộ của chúng ta.

Vai trò cá nhân trong lịch sử rất quan trọng. Nhưng mặt khác Đảng ta là Đảng có truyền thống đoàn kết, thống nhất để đưa ra những quyết định quan trọng. Nói chung, các quyết định luôn luôn là sản phẩm trí tuệ, ý chí tập thể.

Những năm tháng vừa qua, chúng ta thấy vị trí của Tổng Bí thư rất nổi bật, luôn là người đi đầu chỉ đạo trực tiếp các vấn đề quan trọng. Tới đây, chúng ta cũng hy vọng có người đứng đầu như thế. Bởi đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không phải là công việc ngày một, ngày hai có thể là xong. Và đây cũng không phải là ý muốn cá nhân mà là ý chí, nguyện vọng của Đảng, của cán bộ, của nhân dân.

Với tấm gương đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông nhớ nhất điều gì?

Tôi là người có điều kiện gần gũi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cả khi còn đang công tác và sau khi nghỉ hưu. Cảm nhận nổi bật nhất, không phải chỉ riêng tôi mà ai cũng nhận thấy: Tổng Bí thư là người "cực kỳ mẫu mực". Đấy là tấm gương đạo đức trong sạch, một lòng vì Đảng, vì dân. Tấm gương ấy của người đứng đầu Đảng ta có sức lan tỏa vô cùng lớn đối với thế hệ sau.

Xin cảm ơn ông!