Tổng biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh. (Ảnh: Phạm Hải) |
Đây là một nội dung quan trọng trong 11 trụ cột ông Lê Quốc Minh đề ra làm trọng tâm phát triển của báo Nhân Dân tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ TT&TT. Trước khi đưa ra những trụ cột mang tính thay đổi cục diện, ông Lê Quốc Minh đã lấy dẫn chứng từ Báo Nhân Dân, đơn vị đã có những chuyển biến tích cực sau khi thực hiện công cuộc chuyển đổi số.
“Từ một tờ báo tưởng chừng chỉ dành cho các cán bộ Đảng viên, chi bộ… với số lượng độc giả ít ỏi, thì nay báo Nhân Dân đã tiếp cận được tới hàng triệu người đọc, người nghe trên khắp cả nước nhờ vào công cuộc chuyển đổi số”, ông Lê Quốc Minh nói.
Ngoài việc áp dụng hình thức Podcast (bản trình bày bằng âm thanh, người nghe có thể tải hoặc phát từ Internet) vào công tác tuyên truyền, mang lại thông tin cho người nghe, báo Nhân Dân còn tích cực sử dụng các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok để phổ cập thông tin tới công chúng. Đây được xem là một minh chứng rõ ràng cho thấy hiệu quả của sự nghiệp chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí tại Việt Nam.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, có 2 yếu tố cần được gắn bó mật thiết với nhau đó là nội dung và công nghệ. “Trong lĩnh vực báo chí thì nội dung là yếu tố cần đầu tiên, công nghệ là công cụ song hành thúc đẩy nội dung trên con đường chuyển đổi số”, ông Minh cho biết.
Tổng Biên tập báo Nhân Dân cũng nêu ra ra những trụ cột của báo chí trong năm tới đó là đổi mới phát triển theo mô hình cơ quan báo chí công nghệ, kết hợp công nghệ và đầu tư mạnh vào công nghệ. Các cơ quan báo chí cần tập trung đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để trở thành một Mediatech (cơ quan sáng tạo nội dung có thể sản xuất công nghệ).
Sản xuất, phân phối nội dung đa nền tảng phương tiện, quy trình sản xuất thông tin phải được tích hợp nhằm tiết kiệm chi phí, sức lực; sử dụng tối đa các công cụ đo lường, phân tích để đưa ra tuyến tuyên truyền nội dung.
Chủ trương đầu tư công nghệ hiện đại với những kỹ sư công nghệ giỏi là một điều tất yếu. “Trong xu thế làm báo của thế giới, cứ 6-8 nhà báo phải có 1 nhân viên công nghệ ngồi trong tòa soạn, đây là điều chưa được nhiều cơ báo chí Việt Nam quan tâm.”, ông Minh nhấn mạnh. Các cơ quan báo chí phải phối hợp với những đối tác công nghệ để xây dựng đội ngũ nhân viên công nghệ hiện đại thường trực trong tòa soạn.
Khẳng định việc tăng cường nghiên cứu phát triển trong cơ quan báo chí, sẵn sàng đổi mới loại hình báo chí để phù hợp với xu thế thời đại, ông Lê Quốc Minh cho rằng, báo chí tương lai không chỉ là AR (Augmented reality: Thực tế ảo tăng cường), VR (Virtual Reality: Thực tế ảo) nữa mà còn là MR (Mixed Reality: Thực tế hỗn hợp tăng cường), MA (Extended Reality: Thực tế ảo mở rộng). Đó đều là những yếu tố có thể trở thành xu hướng trong 3 - 5 năm tới. Điều này yêu cầu các cơ quan báo chí phải nghiên cứu ngay từ bây giờ để áp dụng trong thời gian tới, tránh đi sau thời đại.
Theo ông Minh, cần phát triển nội dung trên mọi nền tảng, ngay cả các nền tảng phi báo chí; tìm hiểu thị hiếu và nắm bắt được nhu cầu của độc giả để đưa ra những tuyến nội dung phù hợp. Các cơ quan báo chí phải cùng nhau xây dựng một trung tâm kết nối để định hướng thông tin cũng như trao đổi vấn đề nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc, giúp đỡ nhau cùng hướng tới tương lai. Tổ chức diễn đàn nhằm nâng cao chất lượng bằng cách trao đổi cách thức sử dụng công nghệ mới, cách tạo nên nội dung hấp dẫn.
Ông Lê Quốc Minh nhận định, trước mắt quá trình cách mạng số của các cơ quan báo chí ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, từ chi phí cho tới kỹ thuật. Đây không phải là sự thay đổi thực hiện trong ngày một ngày hai, mà đó là cả một sự nghiệp, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm từ nhiều phía, nhưng không vì lẽ đó mà chúng ta ngần ngại, bỏ lỡ cơ hội.
Thái Hoàng
Viện Trưởng Viện Kiểm sát tối cao: "Chứng cứ điện tử đang là một thách thức"
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, cần xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ, theo kịp để điều chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật.