Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan tới trẻ em, như Luật Trẻ em, Luật Trợ giúp pháp lý và các nghị định, thông tư liên tịch giữa các cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây dựng và ban hành quy chế, quy định quy trình phối hợp trong hỗ trợ, can thiệp, giải quyết đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại trên địa bàn đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

lophoc.png
Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, công tác phòng chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong 9 tháng năm 2023 đã được tăng cường; bảo đảm duy trì các dịch vụ trợ giúp xã hội và kịp thời phát hiện, giải quyết, thông tin các vấn đề, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và liên quan đến quyền trẻ em về Tổng đài 111.

Trong 9 tháng năm 2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến, 950 lượt tiếp nhận qua App và Zalo, trong đó có 15.991 cuộc gọi tư vấn và 845 ca can thiệp hỗ trợ. Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người tiếp nhận và tư vấn 1.248 cuộc gọi, chuyển tuyến 44 ca để hỗ trợ cho 49 nạn nhân của mua bán người.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã phát hiện 1.075 vụ xâm hại trẻ em, xâm hại 1.233 trẻ em, tăng 2,6% số vụ và tăng 13,3% số trẻ em bị xâm hại so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 917 vụ, xâm hại 1.041 trẻ em).

Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM, cho hay việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội. Trong tình hình diễn biến xã hội hiện nay, việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em càng cần chú trọng hơn, nhất là ở các thành phố, là nơi tập trung đông trẻ em, đặc biệt là trẻ nhập cư có hoàn cảnh khó khăn dễ có nguy cơ bị đe dọa, xâm hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, đạo đức…

Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai thu thập thông tin về tình hình trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em và tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành về tình hình xâm hại trẻ em...

Cũng liên quan đến công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2023. Hoạt động này nhằm góp phần phổ biển, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới; phòng ngừa, ứng phó và xử lý kịp thời các vụ bạo bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Tháng hành động nhằm hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Quốc Tiến và nhóm PV, BTV