Trong năm 2022, tình hình tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc thuộc địa bàn tỉnh quản lý cơ bản ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được đảm bảo. Các hoạt động trên biên giới chủ yếu tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, hợp tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19, tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu và thông quan hàng hoá qua các cửa khẩu, thực hiện tốt công tác QLBG, 03 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Năm 2022, cũng là năm đầu tiên BCĐ công tác biên giới tỉnh được thành lập (thay thế BCĐ thực hiện 03 văn kiện pháp lý về biên giới tỉnh) và thực hiện theo quy chế hoạt động mới với chức năng, nhiệm vụ, nội hàm về công tác QLBG và thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới rộng, bao trùm hơn.
Theo đó, UBND tỉnh, BCĐ công tác biên giới tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện thành phố nói chung và UBND các huyện biên giới tiếp tục tập trung quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ; chỉ đạo thành lập BCĐ công tác biên giới tại các huyện biên giới để triển khai nhiệm vụ đồng bộ trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: những kết quả công tác QLBG và thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; năm 2023 bên cạnh những kết quả, thuận lợi thì dự báo nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thế giới, khu vực còn tiềm ẩn diễn biến khó lường, do đó nhiệm vụ công tác QLBG đặt ra ngày càng cao, đòi hỏi các cấp các, các ngành phải nỗ lực hơn nữa. Đồng chí đề nghị các thành viên BCĐ, các sở, ban, ngành, UBND các huyện biên giới tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác QLBG và thực hiện 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc trong tình hình mới; chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong đảng viên, cán bộ, quần chúng nhân dân để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm chung, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương hai bên biên giới mở rộng hợp tác, giao lưu hữu nghị, phát triển kinh tế; phát động phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới; thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân, quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, kịp thời phát hiện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Cùng với đó quan tâm đầu tư phát triển bền vững KT-XH khu vực biên giới, huy động các nguồn lực xã hội hóa để góp phần đẩy nhanh xây dựng đường tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới; chăm lo, phát triển kinh tế nông thôn gắn với giúp nhân dân biên giới phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, từ đó làm cơ sở, tiền đề quan trọng góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, thúc đẩy hợp tác, cùng vun đắp tình hữu nghị Việt - Trung ngày càng sâu sắc, bền chặt, phát triển.
Duy Khánh, Phạm Bằng