Kết hợp lại, hai động thái này đe dọa tới khả năng bán nhiều sản phẩm của Huawei do công ty phụ thuộc vào các đối tác cung ứng Mỹ. Sắc lệnh được ký trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ Trung ngày một leo thang. Washington tin rằng thiết bị cầm tay và thiết bị mạng viễn thông của Huawei có thể bị chính phủ Trung Quốc lợi dụng để gián điệp Mỹ.
Đáp lại, Huawei khẳng định việc cấm Huawei kinh doanh tại Mỹ không làm cho Mỹ an toàn hơn hay hùng mạnh hơn mà chỉ hạn chế Mỹ với các phương án thay thế đắt đỏ hơn nhiều, khiến Mỹ đi sau trong triển khai 5G. “Ngoài ra, các hạn chế không chính đáng vi phạm quyền của Huawei và đặt ra các vấn đề luật pháp nghiêm trọng khác”, Huawei nói trong một tuyên bố.
Lệnh cấm đối với các nhà cung ứng Mỹ của Huawei, tương tự với ZTE hồi năm 2018, có thể tác động đến các nhà cung ứng lớn nhất như Qualcomm và Broadcom.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do các công ty đe dọa an ninh quốc gia sản xuất. Ngay sau khi Nhà Trắng thông báo sắc lệnh được ký, Bộ Thương mại Mỹ nói đã thêm Huawei và 70 công ty con vào danh sách Entity List, cấm gã khổng lồ viễn thông mua linh kiện từ công ty Mỹ nếu không được cấp phép đặc biệt từ chính phủ.
Theo Reuters, quan chức Mỹ cho hay quyết định sẽ khiến Huawei gặp khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, khi bán một số sản phẩm. Do Huawei trong danh sách Entity List, nhà cung ứng Mỹ cần xin cấp phép để cung ứng cho Huawei bất kỳ sản phẩm nào thuộc quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. John Larkin, cựu nhân viên quản lý xuất khẩu tại Bắc Kinh cho Bộ Thương mại, chia sẻ việc xin giấy phép như vậy rất khó vì họ phải chứng minh nó không làm tổn hại an ninh quốc gia.
Mỹ tích cực kêu gọi các nước khác không sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G vì “không đáng tin”. Hồi tháng 8/2018, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm chính phủ Mỹ dùng thiết bị Huawei và ZTE. ZTE được thêm vào danh sách Entity List của Bộ Thương mại tháng 3/2016 vì cáo buộc tổ chức đề án công phu nhằm che giấu việc tái xuất khẩu các sản phẩm Mỹ sang những nước bị Mỹ cấm vận. Sắc lệnh cấm đối tác cung ứng thiết bị Mỹ cho ZTE, về cơ bản “đóng băng” chuỗi cung ứng nguồn của công ty. Tuy nhiên, lệnh cấm đã được tạm dừng sau khi ZTE đồng ý với một thỏa thuận điều đình một năm sau đó.