Chia sẻ tại hội thảo định hướng ngành học diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên và Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội tư vấn du học quốc tế, chỉ ra những ngành nghề đang thiếu hụt nguồn nhân lực tại các nước như Anh, Australia, Mỹ, Canada…

Cụ thể tại Anh, bà Hoa cho biết theo số liệu từ website của chính phủ, top 10 ngành nghề thiếu hụt nhân lực tại nước này trong năm vừa qua gồm: Dịch vụ sức khỏe và chăm sóc người già; Nghiên cứu khoa học (Lý, Hóa, Sinh); Kỹ sư điện, điện tử, cơ khí, dân dụng; Kiến trúc sư; Thiết kế và phát triển web; Lập trình viên, phát triển phần mềm; Chuyên gia bảo mật công nghệ thông tin; Nhà sản xuất, đạo diễn nghệ thuật; Nghệ sỹ; Bác sỹ thú y.

Bà Trần Phương Hoa chia sẻ về xu hướng ngành nghề tương lai.

Trong khi tại Canada, top 10 ngành nghề thiếu hụt lao động trong 10 năm tới được dự báo gồm: nhóm Khoa học ứng dụng (Thiết kế và phát triển phần mềm, Kỹ sư, Kiến trúc sư…) và nhóm Sức khỏe (Y tá, Chuyên gia trị liệu, Chuyên gia dinh dưỡng…).

Trong đó ở nhóm Sức khỏe, bà Hoa nhận định ngành điều dưỡng có cơ hội việc làm rất tốt không chỉ với riêng Canada. Dù vậy, tính chất công việc này khá vất vả.

Tại Australia, theo dữ liệu visa cho người nhập cư có trình độ lao động cao, tính đến tháng 3/2023, top 3 nghề phổ biến đang rất cần nhân lực gồm: Kỹ sư phần mềm, Đầu bếp và Phân tích nghiệp vụ kinh doanh.

“Có một thực tế, một số người di cư ra nước ngoài như Canada hay Australia, làm các công việc lao động chân tay như đầu bếp, hái quả, sửa điện, sửa ống nước, lái xe tải… rất dễ kiếm việc, lương cao hơn công chức nhà nước hoặc người làm trong chính phủ”, bà Hoa nói.

Còn tại Mỹ, theo dữ liệu visa dành cho các lao động có chuyên môn, trong top 10 ngành nghề có tỷ lệ xin visa tăng cao nhất 2022, có 8 ngành liên quan đến Công nghệ thông tin gồm: Phát triển phần mềm, Phân tích hệ thống máy tính, Phát triển phần mềm hệ thống, Kỹ sư/Thiết kế hệ thống máy tính, Quản lý dự án Công nghệ thông tin, Quản lý hệ thống máy tính & thông tin, Kiểm soát đảm bảo chất lượng phần mềm, Phân tích vận trù học.

Hai ngành nghề còn lại gồm: Kỹ sư cơ khí và Phân tích dữ liệu kinh doanh. 

“Như vậy, có thể thấy Công nghệ thông tin là ngành tương đối an toàn cho những du học sinh muốn ở lại Mỹ và có nhiều lựa chọn nghề nghiệp”, bà Hoa nói.

Chia sẻ thêm về những ngành dễ có cơ hội xin việc và định cư tại Anh, bà Nguyễn Ngọc, Đại diện tuyển sinh của Đại học York, cho biết Anh là quốc gia có chính sách định cư khó hơn Australia hay Canada. 

Tuy nhiên, du học sinh vẫn có cơ hội nếu theo đuổi các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin - những ngành đang khát nhân lực và là xu thế hiện nay.

“Ở Anh, sau khi kết thúc chương trình bậc đại học, du học sinh được ở lại 2 năm tìm việc làm. Trên thực tế, sinh viên Việt Nam sau khi học xong, trong vòng 2 năm đã đủ thời gian tìm kiếm một công việc tại đây”, bà Ngọc nói.

Tại Australia, bà Phan Thủy, Đại diện tuyển sinh của Đại học Tasmania, cho biết kể từ ngày 1/7, Australia có chính sách cộng thêm thời gian cho một số ngành ưu tiên, đang thiếu nguồn nhân lực gồm các ngành Công nghệ, Kỹ thuật, Khoa học, Sức khoẻ, Giáo dục. 

“Với những ngành này, du học sinh có thể ở thêm tối đa 2 năm. Đây cũng là những ngành du học sinh có thể cân nhắc lựa chọn”, bà Thủy nói.