Vài năm trở lại đây, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ hay GlobalGAP được nhắc tới ngày càng nhiều. Ở nhiều địa phương, sản xuất nông sản sạch trở thành thế mạnh.

Trong báo cáo sơ kết 6 tháng năm 2022 của Bộ NN-PTNT cũng nêu rõ, đến nay có 463 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương; diện tích nông lâm thuỷ sản có 16.991 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP.

Các địa phương đã lấy 8.492 mẫu nông lâm thuỷ sản sau thu hoạch để kiểm tra. Kết quả phát hiện 346 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 4,07%, giảm 1,58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người tiêu dùng cũng dần tin tưởng hơn vào việc giám sát chặt chẽ chất lượng nông lâm thuỷ sản bán trên thị trường. Thế nhưng, tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đơn vị này mới đây đã lấy mẫu các sản phẩm tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" gửi kiểm tra. Trong đó, ghi nhận có mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và thuốc BVTV nằm ngoài danh mục được phép sử dụng.

Nhiều mẫu rau quả và trái cây tại chợ đầu mối ở TP.HCM phát hiện có tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép.

Cụ thể, phát hiện hoạt chất Carbendazim trên các sản phẩm cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh, mồng tơi, húng cây, rau dền. Phát hiện hoạt chất Permethrine trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất Cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng, húng cây, rau muống hạt và hoạt chất Imidacloprid trên cải ngọt, cà chua.

Với sản phẩm thủy sản, phát hiện các hoạt chất Chloramphenicol, Ciprofloxacin và Enrofloxacin; ngoài ra là hoạt chất kháng sinh không bảo đảm an toàn tập trung ở khâu nuôi trồng. 

Đặc biệt, qua kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm tươi sống tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở TP.HCM, kết quả còn khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi giật mình. 

Kết quả, có 271/570 mẫu rau quả và trái cây phát hiện dư lượng thuốc BVTV, chiếm tỷ lệ 47,54%. Trong đó, 198 mẫu nằm trong mức giới hạn cho phép, 58 mẫu (tỷ lệ 10,2%) không nằm trong danh mục cho phép, 20 mẫu (tỷ lệ 3,5%) vượt mức giới hạn cho phép.

Về thuỷ sản đánh bắt, phát hiện 42/100 mẫu (tỷ lệ 42%) có chỉ tiêu kim loại nặng Cadmi vượt mức cho phép; trong đó có 36 mẫu mực và 6 mẫu bạch tuộc.

Về các sản phẩm rau, quả, trái cây, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm rau quả phát hiện cùng lúc tồn dư dư lượng thuốc BVTV của nhiều hoạt chất, trong đó có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.

Việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả, đặc biệt tại các tỉnh, tuy có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao, việc phun xịt thuốc BVTV của người nông dân chưa được kiểm soát. Nhiều hoạt chất được phát hiện với hàm lượng cao nhưng chưa có quy định mức giới hạn tối đa cho phép và thiếu quy định mức giới hạn chung đối với các hoạt chất chưa có quy định đối với sản phẩm cụ thể.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, việc công bố con số về tỷ lệ thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc BVTV là bởi đơn vị này xác định không thể cứ mãi để buông xuôi, thả nổi chất lượng. Phải lấy mẫu kiểm nghiệm, phải công bố để biết thực trạng đang ở đâu còn giải quyết.

Nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam chi gần 505 triệu USD nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ 446 triệu USD.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho hay, tổng số lượng thuốc BVTV nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 là 3.794 lô, giảm 6,71% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng trọng lượng thuốc thành phẩm nhập khẩu hơn 42.662 tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục siết chặt việc đăng ký thuốc BVTV, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng công tác khảo nghiệm thuốc BVTV, đồng thời tăng cường kiểm soát việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV; xây dựng chính sách ưu tiên, khuyến khích đăng ký, sản xuất thuốc BVTV sinh học…

Ngoài ra, thu thập thông tin, bằng chứng khoa học và tiếp tục rà soát toàn bộ Danh mục thuốc BVTV đang được phép sử dụng để loại bỏ các thuốc BVTV độc hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường.

Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu về Việt Nam lên tới 854 triệu USD, còn năm 2020 và 2019 có kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 704 triệu và 865 triệu USD.

Bảo Phương

Chôm chôm Việt bị EU cảnh báo có chứa chất cấm

Sau sản phẩm đùi ếch đông lạnh, bưởi, gạo ST25 hiệu Nữ hoàng,... EU tiếp tục đưa ra cảnh báo với hàng loạt các mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này, trong đó chỉ rõ phát hiện chôm chôm của Việt Nam có chứa chất cấm.